MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CSGT Yên Bái xử lý các thông tin do hệ thống AI tích hợp trong camera gửi về. Ảnh: Long Nguyễn

Công nghệ AI trong xử lý vi phạm giao thông và ngăn chặn tội phạm

Hoàng Long LDO | 07/11/2023 09:20

Chỉ vài tháng sau khi được áp dụng rộng rãi, hệ thống camera giám sát tích hợp trí tuệ nhân tạo - AI đã phát huy hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm giao thông tại tỉnh Yên Bái và Vĩnh Phúc. Qua đó góp phần giảm thiểu các lỗi vi phạm và tai nạn giao thông, đặc biệt là các loại tội phạm...

AI giúp phát hiện, xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm

Đội Xử lý phạt nguội của Phòng CSGT tỉnh Yên Bái có 3 thành viên. Thông thường, 2 người trực màn hình ngồi ở phòng camera, người còn lại làm nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các trường hợp công dân đến thắc mắc hoặc nộp phạt. Phụ trách đội là trung tá Hà Anh Tú.

Với 9 điểm camera phạt nguội và 51 điểm camera giám sát, an ninh, khối lượng công việc của Đội Xử lý phạt nguội là tương đối lớn. Chỉ tính riêng trong ngày 30.10.2023, hệ thống AI tích hợp trong các camera đã tự phát hiện và báo về hệ thống tới 109 lỗi vi phạm giao thông.

Theo trung tá Tú, các trường hợp sau khi xác định chắc chắn là vi phạm sẽ bị gửi biên bản phạt về nơi đăng ký. Sau 20 ngày không nộp phạt, thông tin sẽ tự động chuyển lên hệ thống đăng kiểm.

"Hiện nay, người vi phạm có thể nộp tại bất cứ đâu, kể cả nộp phạt online nên mọi thứ đã dễ dàng hơn rất nhiều" - vị trung tá nói.

Tuy vậy, trung tá Tú cũng cho biết, song song với các thuận lợi thì việc xử lý các trường hợp đi xe máy vi phạm giao thông vẫn còn là bài toán khó của công tác phạt nguội, không chỉ của địa phương vùng cao như Yên Bái.

Trong khi Yên Bái mới chỉ trang bị tổng cộng 60 camera thì con số này của Vĩnh Phúc lên tới hơn 200. Sau 2 tháng xử phạt các trường hợp lái xe mắc lỗi vi phạm từ hình ảnh, hệ thống camera giám sát (ghi nhận và phân tích tự động các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao thông) đã phát hiện hơn 1.200 trường hợp điều khiển ôtô chạy quá tốc độ.

Trong đó có hàng chục trường hợp ôtô vi phạm tốc độ ở mức kịch khung như xe 18C-033.83 vi phạm 121/60 km/h; xe 88C-194.70 vi phạm 104/60 km/h; xe 88C-223.38 vi phạm 103/60 km/h...

Với lỗi vi phạm trên, ngoài bị phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

CSGT Vĩnh Phúc xử lý các thông tin do hệ thống AI tích hợp trong camera gửi về. Ảnh: Cao Tuân

Giúp nâng cao ý thức người dân

Anh Đào Văn Tuấn, ở xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) - người có thâm niên lái xe tải gần 20 năm chia sẻ: “Trước đây, cứ thấy có CSGT thì mới chấp hành quy định. Nhưng từ khi có camera giám sát giao thông, anh em tài xế không ai bảo ai đều tự giác tuân thủ…”.

Chị Trần Phi Yến, ở phường Yên Thịnh (TP Yên Bái) bày tỏ: “Người đi xe máy tham gia giao thông như chúng tôi cảm thấy yên tâm hẳn khi có camera giám sát giao thông, bởi ý thức tự giác của cánh tài xế ôtô được nâng lên rõ rệt. Hiếm thấy trường hợp vượt đèn vàng, đèn đỏ, lạng lách, vượt ẩu như trước, ngay cả vào buổi trưa hoặc lúc đường vắng…”.

Theo thượng tá Phạm Vân Thảo - Phó Trưởng Phòng CSGT tỉnh Yên Bái, các con số thống kê đã cho thấy tính hiệu quả của hệ thống camera tích hợp AI, nhất là sự tác động đến ý thức người dân.

"Trong quý II, lúc vừa lắp hệ thống camera, phòng CSGT xử phạt tổng cộng 925 trường hợp vi phạm. Sang quý III, con số giảm còn 671 và có thể giảm tiếp trong quý IV. Điều này cho thấy ý thức người tham gia giao thông dần được cải thiện. Bên cạnh đó, hệ thống còn giúp giảm tải khối lượng công việc cho lực lượng CSGT và góp phần gìn giữ an ninh, trật tự trên địa bàn" - thượng tá Phạm Vân Thảo nói.

Còn thượng tá Cao Văn Thịnh - Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tất cả trường hợp bị phạt nguội đều được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nên có tính răn đe cao.

Vị thượng tá đánh giá, với những tính năng vượt trội, hệ thống camera thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI không chỉ được coi là “mắt thần” trong phát hiện, xử lý hành vi vi phạm giao thông mà còn phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hoạt động của các loại tội phạm.

“Hiện tại, Phòng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc cũng triển khai tiếp nhận các thông tin hình ảnh về vi phạm trật tự an toàn giao thông từ người dân cung cấp đến các trang mạng xã hội do đơn vị quản lý trên nền tảng ứng dụng Zalo Page và Facebook. Các thông tin có giá trị nhằm tố giác tội phạm, hành vi vi phạm TTATGT sẽ được lực lượng chức năng tiếp nhận, phân loại củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật” - thượng tá Thịnh cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn