MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các diễn giả thảo luận về chủ đề: “Công nghệ mới kiến tạo thành phố thông minh”. Ảnh: Hoàng Khương

Công nghệ mới kiến tạo thành phố thông minh

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 01/09/2024 19:15

Để hướng đến xây dựng thành phố thông minh, với công nghệ mới, nên tiếp cận một cách an toàn, không vội vàng nhưng cũng không quá cứng nhắc.

Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA) và các đơn vị khác đồng tổ chức: “Diễn đàn Đổi mới Đà Nẵng: Công nghệ mới và thành phố thông minh: Tầm nhìn tương lai”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ góc nhìn của mình về chủ đề: “Công nghệ mới kiến tạo thành phố thông minh”.

Ông Nguyễn Bảo Anh - đại diện cộng đồng bán dẫn Khu vực Miền Trung, cựu Giám đốc kỹ thuật cấp cao tại Synopsys - nhấn mạnh vai trò của dữ liệu trong việc xây dựng thành phố thông minh.

Ông chia sẻ: “Chất lượng và số lượng dữ liệu sẽ quyết định thành phố thông minh tới đâu. Vấn đề khó nhất vẫn là thu thập số lượng và chất lượng dữ liệu sao cho tốt nhất”.

Theo bà Lynn Hoàng - Giám đốc Quốc gia Binance, Blockchain (công nghệ chuỗi khối) có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, bảo mật và tính minh bạch của các thành phố thông minh, thúc đẩy niềm tin giữa người dân và chính phủ, đồng thời cho phép quản lý đô thị hiệu quả và sáng tạo hơn.

Đà Nẵng đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh vào giữa tháng 8.2023. Ảnh: Nguyên Thi

Theo đó, Blockchain có thể được sử dụng để quản lý các hồ sơ tài sản và đất đai một cách minh bạch, giúp người dân dễ dàng tra cứu và xác minh quyền sở hữu mà không lo ngại về việc làm giả giấy tờ.

Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để theo dõi chuỗi cung ứng thực phẩm, từ nguồn gốc sản phẩm đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Trong vấn đề môi trường, Blockchain giúp theo dõi các quy trình quản lý rác thải, đảm bảo trách nhiệm và khuyến khích các nỗ lực tái chế bằng cách thưởng cho người dân vì những thực hành bền vững.

Tiến sĩ Trần Minh Tùng - Giám đốc trường Kinh doanh và Công nghệ FPT Đà Nẵng - kỳ vọng rằng trong khoảng 5-10 năm tới, mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) sẽ phủ khắp thành phố Đà Nẵng, có trạm cảm biến về chất lượng không khí, nhiệt độ hoặc các ứng dụng cảnh báo về tắc đường, xả thải… giúp cảnh báo đến người dân và chính quyền kịp thời.

Chia sẻ về những khó khăn khi ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng thành phố thông minh, ông Nguyễn Bảo Anh cho biết, việc này có nhiều hướng tiếp cận, nhưng điều cần thiết là kế hoạch cụ thể mang tính hệ thống và lâu dài. Các công nghệ như AI, Blockchain hay IoT… nên được ứng dụng đúng nơi, đúng chỗ để phát huy tối hiệu quả.

Phản hồi về vấn đề này, bà Lynn Hoàng cũng chia sẻ thêm: “Triển khai AI, IoT, Big Data và Blockchain đòi hỏi một khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Đối với nhiều thành phố, việc huy động và quản lý tài chính cho các dự án này có thể là một thách thức.

Các công nghệ mới yêu cầu các kỹ năng và kiến thức đặc thù. Việc đào tạo nhân lực để quản lý và vận hành các hệ thống này là cần thiết nhưng cũng đầy thách thức”.

Bà Lynn Hoàng cho rằng, với những công nghệ mới, nên tiếp cận một cách thông minh, an toàn, không vội vàng nhưng cũng không nên quá cứng nhắc, có thể thử nghiệm trong quy mô nhỏ để có đánh giá toàn diện trước khi áp dụng diện rộng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn