MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có nhiều thời điểm, ứng dụng Facebook trên điện thoại không thể tải ảnh. Ảnh: Hữu Chánh

Công việc bị ảnh hưởng khi 4 tuyến cáp quang biển bị đứt

HỮU CHÁNH LDO | 08/02/2023 08:23
Việt Nam hiện có hơn 72 triệu người dùng Internet, đứng thứ 12 toàn cầu. Do đó, việc bốn tuyến cáp quang biển gặp sự cố tác động rất lớn đến cuộc sống của nhiều người dân.

Internet "rùa bò" bao giờ khắc phục xong?

Đại diện các nhà mạng trong nước cho biết, hệ thống NOC (Ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế) đã thông báo kế hoạch sửa chữa ba tuyến cáp quang biển: APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia, America Gateway) và IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á).

Cụ thể, với tuyến APG, lỗi trên nhánh S6 dự kiến sẽ được sửa chữa nhánh từ ngày 22 đến 27.3.2023. Còn lỗi trên nhánh S9 sửa từ ngày 5.4 đến 9.4.2023.

Sự cố trên tuyến AAG dự kiến được sửa chữa từ ngày 30.3 đến 4.4.2023.

Riêng tuyến cáp IA đang trong quá trình xin cấp phép và đăng ký tàu sửa chữa. Thời gian dự kiến sửa chữa là giữa tháng 3.2023.

Ngoài sự cố ở ba tuyến cáp quang biển nêu trên, tuyến AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1) cũng đang gặp sự cố do bị lỗi dò nguồn tại vị trí sát vùng biển thuộc Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, hiện hệ thống NOC chưa thông báo kế hoạch sửa chữa.

Như vậy, theo kế hoạch, phải đến cuối tháng 3.2023, thậm chí trung tuần tháng 4.2023, chất lượng Internet Việt Nam đi quốc tế mới có thể tốt hơn.

Phiền toái vì mạng chậm

Theo thống kê của Speedtest tính đến tháng 12.2022, tốc độ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam đạt 82 Mb/giây, đứng thứ 46 thế giới, trong khi Internet di động đạt 42 Mb/giây, đứng thứ 51 thế giới.

Tại Việt Nam hiện có hơn 72 triệu người dùng Internet, đứng thứ 12 toàn cầu. Do đó, việc "lỗi mạng" dễ dàng tác động đến cuộc sống của nhiều người dân.

Anh Quang Việt, giám đốc một startup công nghệ tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đường truyền Internet đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành của công ty.

Theo anh Việt, cửa hàng của anh không lưu trữ nhiều phần mềm do bình thường có thể tìm và tải theo yêu cầu của khách rất nhanh. Tuy nhiên, việc bốn tuyến cáp quang biển gặp sự cố khiến các nhân viên làm phần mềm chậm trễ hoàn thành công việc.

"Dù đã lắp đường truyền của ba nhà mạng, kết hợp bộ cân bằng tải để có thể tối ưu tốc độ khi có nhà mạng gặp vấn đề, tuy nhiên đường truyền mạng vẫn không cải thiện.

Việc cài phần mềm chỉ mất từ vài phút thì nay kéo dài vài chục phút", anh Việt nói và cho biết, tốc độ tải chưa đến chỉ 4-5 Mb/giây, giảm hàng trăm lần so với trước đó khiến người bán và khách hàng đều mất kiên nhẫn.

Kết quả đo bằng website Speedtest vào 0h ngày 8.2 là 16.07/Mb/giây so với 60-70 Mb/giây như trước đây. Ảnh: Hữu Chánh

Chị Nguyễn Thị Hoa, một người kinh doanh online tại Hà Nội cho biết, việc gặp sự cố với đường truyền Internet trong hơn 1 tuần qua khiến công việc bán hàng online của chị bị ảnh hưởng rất lớn.

"Việc xử lý hàng chục đơn hàng gặp rất nhiều khó khăn do tốc độ mạng quá chậm. Có thời điểm, gần như cả tiếng tiếng không thể truy cập trang quản lý, các đơn hàng bị treo, ảnh hưởng đến việc giao - nhận hàng hóa", chị Hoa nói.

Nhiều thời điểm, chị Hoa phải bật kết nối di động 4G thay cho sóng WiFi nhằm đảm bảo kết nối. Tuy nhiên ngay cả kết nối mạng di động cũng vẫn nhiều lúc chập chờn, không mang lại hiệu quả hơn là bao.

Đó cũng là tình cảnh của chị Nguyễn Thu Loan, một giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội. Chị Loan cho biết, đã chuyển sang làm việc online hoàn toàn sau giai đoạn giãn cách do dịch bệnh. Công việc dạy học của chị bằng hình trực tuyến như Zoom hay Google Meets.

Cũng theo chị Loan, thời điểm đường truyền mạng gặp vấn đề đến nay, những buổi dạy học thường xuyên bị gián đoạn, đặc biệt vào giờ cao điểm.

"Mạch giảng bài, chia sẻ cũng không được như trước khi phải tạm dừng nhiều lần lúc Internet chập chờn, trong lúc thời gian dạy chỉ vỏn vẹn 2 tiếng", chị Loan nói và cho biết, đang tính đến phương án sẽ dạy học vào thời gian ngoài giờ cao điểm để đường truyền mạng được ổn định hơn.

Bên cạnh ảnh hưởng đến công việc, rất nhiều người dùng cho biết đã không thể sử dụng các dịch vụ truyền hình và giải trí qua mạng Internet bởi "hình liên tục bị đứng" và việc truy cập mạng cũng... "rùa bò".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn