MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng đang tổ chức những khóa đào tạo nguồn cho ngành vi mạch. Ảnh: Thùy Trang

Đà Nẵng cần xác định mục tiêu, chính sách rõ ràng để phát triển vi mạch

THÙY TRANG LDO | 26/04/2024 18:39

Ngày 26.4, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố”.

Toạ đàm được tổ chức nhằm mục đích tiếp cận kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức chuyên môn, lắng nghe ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, đại biểu về các nội dung trong đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn TP Đà nẵng", đảm bảo hoàn thiện đề án một cách khoa học, có chất lượng, xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đúng trọng tâm.

Dự thảo đề án bao gồm 3 phần, trong đó phân tích bối cảnh quốc tế và xu hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trên thế giới, khái quát thực trạng của ngành, bối cảnh thiếu nguồn cung chip bán dẫn và xu hướng phát triển ngành của các quốc gia gồm có Mỹ, Anh quốc, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ…

Đề án đề xuất mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đồng thời khuyến nghị 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra bao gồm các giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; thu hút đầu tư; giải pháp về truyền thông; và giải pháp về hỗ trợ triển khai...

Góp ý với Đà Nẵng, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, thành phố cần cụ thể hóa, xác định rõ những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn.

Bà Thủy góp ý với Đà Nẵng về phát triển ngành vi mạch. Ảnh: Thùy Trang

Bên cạnh đó, để phát triển ngành vi mạch bán dẫn không phải là nhiệm vụ, công việc của riêng một sở ngành mà cần sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành nên cần có sự giám sát, đôn đốc của trực tiếp lãnh đạo thành phố nhằm đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra.

Về đào tạo nhân lực, bà Thủy cho rằng, không nên áp dụng một mô hình mà hãy để các trường tự do mở các khóa đào tạo. Sau khoảng 2 đến 3 năm, thành phố đánh giá tất cả và chọn mô hình hiệu quả, phù hợp nhất với địa phương.

Đặc biệt, để thu hút nhà đầu tư trong ngành vi mạch bán dẫn, bên cạnh việc đề xuất các chính sách với Trung ương thì chính TP Đà Nẵng phải chủ động có những chính sách, cơ chế riêng về thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi thuê đất, pháp lý về đất đai, visa bảo lãnh chuyên gia… Trong đó, thành phố cần đặc biệt chú trọng đến việc rút gọn thủ tục hành chính, tránh để doanh nghiệp phải đi đến quá nhiều nơi mới hoàn thiện được thủ tục đầu tư.

Đại diện các trường đại học trên địa bàn thành phố cũng đề nghị thành phố có quy chế về liên minh hợp tác giữa các trường trong đào tạo vi mạch bán dẫn cũng như có chính sách hấp dẫn học sinh giỏi chọn ngành vi mạch bán dẫn như cho vay ưu đãi.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng lắng nghe ý kiến các chuyên gia về phát triển ngành vi mạch. Ảnh: Thùy Trang

Dự kiến, đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà nẵng" sẽ được UBND TP Đà Nẵng ban hành vào giữa năm 2024, là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, góp phần đưa thành phố tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn