MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời gian qua, Đà Nẵng tập trung đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch. Ảnh: Thùy Trang

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành vi mạch bán dẫn

Mai Hương LDO | 30/08/2024 12:00

Sáng 30.8, TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng với sự tham gia của gần 600 đại biểu.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm về việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn.

Với kinh nghiệm 30 năm làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn, ông Erich Juang - Phó Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Bán dẫn TSRI (Đài Loan - Trung Quốc) cho biết, muốn phát triển ngành vi mạch bán dẫn cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Mỗi năm, Viện nghiên cứu Bán dẫn TSRI sản xuất 2.000 con chíp. Con số này so với châu Âu không hề khiêm tốn.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng với sự tham gia của gần 600 đại biểu. Ảnh: Mai Hương

Phó Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Bán dẫn TSRI cho rằng, trong tương lai, việc mở rộng hệ sinh thái vi mạch bán dẫn cũng như ngành IT sẽ có nhiều thách thức, thay đổi. Vì thế, các đơn vị muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa cần phải có chương trình đào tạo mới.

"Việc đào tạo 100-200 nhân lực thì dễ nhưng xây dựng cả 1 ngành IT thì cần hơn 1.000 nhân lực chất lượng cao. Tôi cho rằng, việc kết hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và Chính phủ rất quan trọng.

Khi việc hợp tác được thực hiện tốt, Việt Nam sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi đang cố gắng tăng cường kết nối với Việt Nam để có nhiều chương trình đào tạo hơn" - ông Erich Juang cho hay.

Đà Nẵng đang tổ chức những khóa đào tạo nguồn cho ngành vi mạch. Ảnh: Thùy Trang

Đồng quan điểm với ông Erich Juang, ông Robert Li - Phó Chủ tịch Synopsys cho biết, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cần sự vào cuộc của chính quyền cũng như sự kết hợp của doanh nghiệp - những người dám dấn thân, chấp nhận rủi ro và các trường đại học.

Là một người lăn lộn nhiều năm trong ngành công nghiệp bán dẫn, ông Robert Li nhận thấy Việt Nam đang dần dần tạo dựng được nền tảng tốt. Để phát triển tốt hơn nữa, ông Robert Li cho rằng, Việt Nam cần phải tuyển dụng được kỹ sư giỏi thiết kế chip tại địa phương cũng như nước ngoài. Đối với những kỹ sư đang theo học tại nước ngoài, sẽ quay về Việt Nam để phát triển.

"Chúng ta đang trong kỷ nguyên mới, cách đây 60 năm, người Đức đã phát minh ra động cơ điện, động cơ điện đã tạo ra cuộc Cách mạng công nghiệp toàn thế giới.

Trong tương lai, ngành vi mạch bán dẫn sẽ tạo ra 1 cuộc Cách mạng như thế. Tôi tin, Đà Nẵng sẽ dẫn đầu trong cuộc Cách mạng này. Chúng ta còn chặng đường dài để đạt được mục tiêu, nếu chúng ta cùng hợp tác sẽ đạt được mục tiêu đó, bước tiếp trong kỷ nguyên mới" - ông Robert Li bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn