MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người bị lừa đảo lần 2 khi đang đi "kêu cứu" để lấy lại số tiền bị lừa đảo trong lần đầu. Ảnh: Hữu Chánh

Deepfake và những chiêu lừa đảo tinh vi khiến nhiều người sập bẫy năm 2023

KHÁNH AN LDO | 24/12/2023 07:56

Năm 2023 ghi nhận sự gia tăng đột biến số vụ lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó, những chiêu thức tinh vi khiến nhiều người sập bẫy có thể kể đến như Deepfake, giả bill chuyển khoản ngân hàng, lừa đảo lấy lại tiền đã mất…

Làm giả cuộc gọi video bằng công nghệ Deepfake

Deepfake là công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao.

Dựa trên tệp tin hình ảnh khuôn mặt, giọng nói của một người ngoài đời thực, Deepfake sẽ sử dụng thuật toán để tái tạo lại khuôn mặt và giọng nói phù hợp với nét mặt, biểu cảm của một người khác; sau đó tạo ra video giả mạo hoàn toàn đối tượng ngoài đời thực.

Thông qua mạng internet, các đối tượng thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng trên mạng xã hội, sử dụng công nghệ Deepfake tạo ảnh động, video giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến với cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô.

Lừa đảo hỗ trợ lấy lại tiền đã mất

Sau khi bị lừa tiền, tâm lý chung của các nạn nhân là lên mạng cầu cứu, nhiều nạn nhân tìm đến các “chuyên gia” với mong muốn lấy lại số tiền đã mất. Song một lần nữa, họ lại rơi vào bẫy lừa và tiếp tục bị mất tiền.

Bởi khi đó, những đối tượng lừa đảo sẽ giả danh thành những người nổi tiếng, công an, luật sư, chuyên gia an ninh mạng... và chủ động liên hệ với nạn nhân, nói sẽ giúp đỡ lấy lại tiền.

Tiếp đó, các đối tượng sẽ trình bày một số cách thức để lấy lòng tin và yêu cầu nạn nhân chuyển phí để làm hồ sơ/phí để để tấn công vào hệ thống của kẻ lừa đảo lần một. Từ đó, nạn nhân một lần nữa bị chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo chương trình trúng thưởng

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng đồng thời lợi dụng thời điểm cuối năm, đối tượng lừa đảo đưa ra những lời chào mới và hứa hẹn hấp dẫn, nhằm dụ dỗ nạn nhân tham gia vào các chương trình trúng thưởng, khuyến mãi tặng quà.

Tại đây, đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng nhiều khoản phí để tham gia và bảo đảm sẽ được nhận lại tiền và quà tặng. Tuy nhiên, càng về sau số tiền càng lớn, với mong muốn lấy lại số tiền trên, đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân tải các ứng dụng độc hại về điện thoại nhằm chiếm quyền điều khiển và chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng...

Lừa đảo cộng tác viên online

Hiện nay, hình thức lừa đảo phổ biến nhất là lừa tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao" - giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

“Công thức” chung của hình thức lừa đảo này là đối tượng sẽ yêu cầu người tham gia tạm ứng tiền, sau đó chiếm đoạt số tiền này. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo có thể yêu cầu người tham gia cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản.

Thống kê của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Bộ Công an cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn