MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch vụ OTT hiện vẫn chưa chia sẻ đầu tư hạ tầng cho các nhà mạng. Ảnh: Hữu Chánh

Dịch vụ OTT không chia sẻ đầu tư hạ tầng, tạo gánh nặng cho các nhà mạng

HỮU CHÁNH LDO | 06/04/2023 21:33

Hiện các nhà mạng vẫn đang đầu tư, đảm bảo hạ tầng cho các OTT phát triển. Tuy nhiên đến nay, Viettel, VinaPhone hay MobiFone vẫn chưa nhận được sự chia sẻ của các OTT, điều này tạo ra gánh nặng, đặt ra vấn đề lớn cho nhà mạng về đầu tư hạ tầng.

Ngày 6.4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.

Tại buổi họp báo, đại diện các nhà mạng, Cục Viễn thông đã trao đổi về việc chia sẻ công bằng với chi phí hạ tầng giữa nhà mạng và các OTT.

Theo đại diện nhà mạng Viettel, hiện nay, mạng xã hội, các OTT (ứng dụng giải trí, trò chuyện qua internet) đang phát triển rất mạnh mẽ. Do đó, các dịch vụ truyền thống như gọi thoại hay SMS của các doanh nghiệp viễn thông bị suy giảm rất lớn.

Theo số liệu trung bình của mạng viễn thông ở Việt Nam, trong quý I bị sụt giảm lưu lượng khoảng 17 - 20%. Trong khi đó, các OTT trên thế giới được triển khai ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Với sự dịch chuyển này, các nhà mạng vẫn đang đảm bảo hạ tầng cho các OTT phát triển. Tuy nhiên, các nhà mạng như Viettel hay VinaPhone, MobiFone cơ bản đều có tình trạng như nhau, đầu tư hạ tầng rất lớn nhưng chưa nhận được sự chia sẻ của các OTT, mạng xã hội.

"Điều này tạo ra gánh nặng, đặt ra vấn đề lớn cho nhà mạng về đầu tư hạ tầng" - đại diện nhà mạng Viettel nói.

Đại diện MobiFone chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Hữu Chánh

Còn theo đại diện nhà mạng MobiFone, các nhà mạng luôn mong muốn đưa các hạ tầng viễn thông phải bắt kịp các nước khác cả đầu tư về 5G, 6G.

"Các OTT dựa trên sự đầu tư lớn từ các nhà mạng nhưng lại không chia sẻ cho nhà mạng trong bối cảnh doanh thu của các nhà mạng đang suy giảm lớn như hiện nay. Đây là hiện tượng chung của cả thế giới và Việt Nam cũng không đi ra ngoài dòng chảy đó" - đại diện MobiFone cho hay.

Với thực tế trên, các nhà mạng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp để các OTT khi kinh doanh ở Việt Nam phải có sự hợp tác với nhà mạng, vừa đảm bảo quản lý về mặt nội dung, vừa chia sẻ về đầu tư hạ tầng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, ở Việt Nam, chi phí đầu tư hạ tầng mạng lưới doanh nghiệp rất lớn.

Số lượng thuê bao ngày càng đông, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn đang đi xuống do số phút gọi và tin nhắn truyền thống ngày càng đi xuống, trong khi chúng ta đang chuyển sang sử dụng các dịch vụ OTT.

"Người dùng hiện nay đang yêu cầu ngày càng cao, tốc độ download ngày càng nhanh, giá dịch vụ ngày càng rẻ, do đó tạo thành áp lực cho các doanh nghiệp" - ông Nhã nói.

Theo ông Nhã, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ghi nhận về nội dung này và trong quá trình sửa đổi Luật Viễn thông cũng đã có những đề cập, nghiên cứu để đưa ra giải pháp đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, tiếp cận được các dịch vụ tiên tiến.

Đồng thời phải đảm bảo cho doanh nghiệp có khoản hoàn vốn để đầu tư vào các kênh công nghệ mới hơn, tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn