MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Elon Musk bắt đầu thời kỳ cầm quyền ở Twitter bằng việc sa thải các giám đốc mà ông cáo buộc cung cấp sai thông tin cho mình. Ảnh chụp màn hình

Elon Musk chào sân Twitter bằng việc sa thải các giám đốc cũ?

Anh Vũ LDO | 28/10/2022 09:46
Elon Musk đã trở thành chủ sở hữu mới của Twitter vào ngày 28.10, ngay lập tức sa thải các giám đốc điều hành hàng đầu mà ông đã cáo buộc gây hiểu lầm cho ông.

Giám đốc điều hành của Tesla cho biết ông muốn "đánh bại" các bot spam trên Twitter, đưa các thuật toán xác định nội dung được hiển thị cho người dùng một cách công khai và ngăn nền tảng này trở thành nơi chứa sự căm ghét và chia rẽ, ngay cả khi sự kiểm duyệt bị hạn chế, theo Reuters.

Tuy nhiên, Elon Musk vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về việc ông sẽ làm thế nào để đạt được tất cả những điều ông mong muốn và ai sẽ là người điều hành công ty.

Ông cũng có kế hoạch cắt giảm việc làm, khiến khoảng 7.500 nhân viên của Twitter lo lắng về tương lai của họ.

Elon Musk cho biết ngày 27.10 rằng ông không mua Twitter để kiếm nhiều tiền hơn mà "để cố gắng giúp đỡ nhân loại, những người mà tôi yêu quý”.

Bắt đầu bằng việc sa thải nhân viên

Elon Musk đã chấm dứt hợp đồng với Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal, Giám đốc tài chính và các vấn đề pháp lý Ned Segal và giám đốc chính sách Vijaya Gadde, theo nguồn tin của Reuters.

Ông cáo buộc họ đã đánh lừa mình và các nhà đầu tư Twitter về số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng truyền thông xã hội.

Twitter, Elon Musk và các giám đốc điều hành đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Giám đốc điều hành Parag Agrawal của Twitter, người mới giữ chức CEO trong thời gian gần đây. Ảnh chụp màn hình

Thương vụ mua lại trị giá 44 tỉ USD này là một câu chuyện đáng chú ý, đầy những quanh co và khúc mắc, từng làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu Elon Musk có thực sự hoàn thành thương vụ hay không.

Nó bắt đầu vào ngày 4.4, khi CEO của Tesla tiết lộ mình giữ 9,2% cổ phần của Twitter, biến ông thành cổ đông lớn nhất của nó.

Người giàu nhất thế giới sau đó đã đồng ý tham gia hội đồng quản trị của Twitter, nhưng lại chùn bước vào phút cuối và đề nghị mua lại công ty này với giá 54,20 USD 1 cổ phiếu, một lời đề nghị “như đùa” từ phía vị tỉ phú.

Cuối cùng, lời đề nghị của Elon Musk là có thật, và hai bên đã đạt được thỏa thuận với mức giá mà ông đề nghị chỉ vài ngày sau đó.

Tại thời điểm này, Elon Musk không thực hiện bất kỳ thẩm định nào về thông tin bí mật của công ty, như một thông lệ trong một thương vụ mua lại.

Cuộc mua bán khó nhằn

Trong những tuần sau đó, CEO của Tesla đã suy nghĩ lại. Ông phàn nàn công khai về việc các tài khoản spam của Twitter cao hơn đáng kể so với ước tính dưới 5% người dùng hoạt động hàng ngày là bot của công ty.

Các luật sư của ông sau đó cáo buộc Twitter không tuân thủ các yêu cầu của đối tác về chủ đề này.

Sự gay gắt trong cuộc tranh luận dẫn đến việc Elon Musk đưa ra thông báo chấm dứt hợp đồng của họ với lý do Twitter đã đánh lừa ông về số lượng bot và không hợp tác.

4 ngày sau, Twitter đã nộp đơn kiện Musk tại Delaware, nơi công ty được thành lập, để buộc ông phải hoàn tất thương vụ.

Vào thời điểm đó, cổ phiếu của các công ty truyền thông xã hội đã sụt giảm do lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Twitter cáo buộc Elon Musk muốn thoát khỏi thỏa thuận vì không muốn trả quá nhiều tiền.

Hầu hết các nhà phân tích pháp lý cho biết Twitter có những lập luận mạnh mẽ nhất và có khả năng sẽ thắng trước tòa.

Quan điểm của họ vẫn không thay đổi ngay cả sau khi cựu giám đốc an ninh của Twitter, Peiter Zatko, đã lên tiếng tố cáo công ty vào tháng 8, với cáo buộc công ty đã không tiết lộ những điểm yếu trong bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu của mình.

Vào ngày 4.10, gần một tháng trước khi phiên tòa bắt đầu, Elon Musk đã thực hiện một lần “quay xe” khác và đề nghị hoàn tất thỏa thuận như đã hứa. Thẩm phán Delaware đã cho anh ta thời hạn 28.10 để đóng giao dịch và tránh phiên tòa.

"Sếp của Twitter"

Elon Musk đã bước vào trụ sở của Twitter vào ngày 26.10 với một nụ cười lớn và mang theo một chiếc bồn rửa bằng sứ, sau đó tweet "hãy để nó chìm".

Ông cũng đã thay đổi mô tả của mình trong hồ sơ Twitter của mình thành "Chief Twit” (Sếp của Twitter).

Elon Musk bước vào trụ sở của Twitter với một chiếc bồn rửa. Ảnh chụp màn hình

Vị tỉ phú cũng cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi của các nhân viên rằng sắp có đợt sa thải lớn và đảm bảo với các nhà quảng cáo rằng những lời chỉ trích trước đây của ông về các quy tắc kiểm duyệt nội dung của Twitter sẽ không làm tổn hại đến sức hấp dẫn của nó.

"Twitter rõ ràng không thể trở thành một địa ngục tự do cho tất cả, nơi có thể nói bất cứ điều gì mà không có hậu quả!”, Elon Musk cho biết trong một bức thư ngỏ gửi các nhà quảng cáo vào ngày 27.10.

Đồng thời, ông cũng cho biết mình coi Twitter là nền tảng để tạo ra một "siêu ứng dụng" cung cấp mọi thứ, từ chuyển tiền đến mua sắm và gọi xe.

"Tiềm năng dài hạn của Twitter lớn hơn giá trị hiện tại của nó", Elon Musk nói trong cuộc gọi với các nhà phân tích vào ngày 19.10.

Nhưng hiện tại, Twitter đang gặp khó khăn trong việc thu hút những người dùng tích cực nhất, những người quan trọng nhất đối với doanh nghiệp.

Những "tweeter hạng nặng" này chiếm ít hơn 10% tổng số người dùng hàng tháng nhưng tạo ra 90% tổng số tweet và một nửa doanh thu toàn cầu.

Vào tháng 5, CEO Tesla cho biết ông sẽ đảo ngược lệnh cấm đối với Donald Trump, người đã bị xóa bỏ khỏi nền tảng này sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol của Mỹ, mặc dù cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng ông sẽ không quay lại nền tảng này. Thay vào đó, ông đã tung ra ứng dụng truyền thông xã hội của riêng mình, Truth Social.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn