MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Ảnh: VGP

Giải “cơn khát” nhân lực ngành bán dẫn

Tường Vân - Quỳnh Chi LDO | 22/02/2024 12:00

Dự báo, 5 năm tới Việt Nam cần khoảng 20.000 người trình độ từ đại học trở lên cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn lên tới 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm nhưng khả năng đáp ứng của thị trường lao động chưa đến 20%.

Nhu cầu lớn

Số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Để hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ đã xác định bán dẫn là 1 trong 9 sản phẩm quốc gia.

Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác của nhiều quốc gia lớn trên thế giới trong lĩnh vực này.

Báo cáo của Công ty Technavio cho thấy, thị trường bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Thế nhưng, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, ngành công nghiệp chip bán dẫn có thu nhập rất hấp dẫn, tăng đều hằng năm. Trong đó, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm; người làm việc kinh nghiệm lâu năm thu nhập từ 1,3 - 1,5 tỉ đồng/năm.

Trao đổi với Phóng viên Báo Lao Động, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, có rất ít công ty công nghệ, điện tử tuyển nhân lực thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm. Nếu có, chỉ tuyển công nhân.

“Thời gian qua, chỉ có Công ty TNHH Energy Elentec Việt Nam (Mê Linh, Hà Nội) tuyển công nhân thông qua Trung tâm”.

Tăng tốc đào tạo

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.

Thứ trưởng đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

“Đây chính là điểm nghẽn lớn, bên cạnh sự định hướng rõ nét, nguồn lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp cùng các tập đoàn, doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước, từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động và tạo vòng hồi tiếp để thu hút người học, gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thu hút đầu tư” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin, Bộ GDĐT đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ.

Ngoài ra, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này; xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ kinh nghiệm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn