MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Google, Facebook chưa chính thức “vào”, sao có thể gọi là “rút”?

Thế Lâm LDO | 07/11/2017 12:00
Tranh cãi về việc Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam (Khoản 4, Điều 34) buộc các doanh nghiệp viễn thông, Internet nước ngoài đặt máy chủ và văn phòng đại diện ở Việt Nam có thể gây ra hệ quả là Google, Facebook “rút” khỏi Việt Nam đang trên nền một giả định.

Chưa chính thức “vào” Việt Nam…

Là bởi, cho tới thời điểm này, cả Google và Facebook đều chưa chính thức vào Việt Nam nếu hiểu theo nghĩa là chính thức đặt văn phòng đại diện hay lập pháp nhân kinh doanh tại Việt Nam.

Như vậy, Google và Facebook “vào” Việt Nam hiện nay thông qua kênh cung cấp dịch vụ. Mà dịch vụ của Google và Facebook là loại dịch vụ xuyên biên giới, cung cấp và lan tỏa thông qua nền tảng Internet mà hoàn toàn không phụ thuộc vào yếu tố hai tập đoàn này có đặt máy chủ hay mở văn phòng đại diện tại Việt Nam hay không?

Còn có cả giả thiết đặt ra rằng, nếu Google và Facebook “rút” khỏi Việt Nam, thì người dùng Việt sẽ không còn có cơ hội sử dụng dịch vụ của hai nhà cung cấp này nữa, là một cách hiểu ngô nghê, thiếu am tường. Vì hiện nay Google và Facebook đã chính thức “vào” Việt Nam đâu mà chúng ta vẫn đang sử dụng được hàng chục, thậm chí cả trăm loại dịch vụ, tính năng sản phẩm của họ.

Dù chưa chính thức vào thị trường Việt, nhưng những năm qua, Facebook và Google mỗi năm thu về hàng trăm triệu USD từ doanh thu quảng cáo. Theo khảo sát của Vinalink, năm 2015, Facebook dẫn đầu về doanh thu quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam với 3.000 tỉ đồng, Google thu 2.200 tỉ đồng; phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp Việt với khoảng 1.900 tỉ đồng.

Doanh số thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam hiện nay, nói không quá rằng, gần như đã nằm trong tay của Facebook và Google. Tuy nhiên vì không lập pháp nhân tại Việt Nam, vì vậy cả hai đều không phải thực hiện nghĩa vụ thuế trừ khoản thuế nhà thầu 10% do các đại lý quảng cáo đóng thay.

Cần làm rõ có mâu thuẫn với cam kết WTO hay không?

Theo văn bản kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức này cho rằng Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam đi ngược lại cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO. Trong trường hợp nếu có mâu thuẫn hay đi ngược lại các cam kết quốc tế/WTO thì theo thông lệ quốc tế, các cam kết này sẽ được ưu tiên thực hiện và dự thảo luật cần được điều chỉnh để phù hợp.

Còn trong trường hợp không mâu thuẫn và không đi ngược với những cam kết quốc tế/WTO, thì quan điểm như dự thảo là một lựa chọn về quản lý và kiểm soát, sẽ xảy ra ba tình huống:

Tình huống thứ nhất, Facebook, Google… tuân thủ, chịu đầu tư để đặt máy chủ, trả lương đội ngũ nhân sự tại Việt Nam, về mặt kinh tế là tốn chi phí khá lớn trong khi “chiếc bánh” thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam nhìn chung còn khá khiêm tốn đối với họ.

Tình huống thứ hai, Google và Facebook không tuân thủ, cơ quan quản lý không quyết liệt xử lý, luật ban hành nhưng hiệu lực thực thi yếu, thì dịch vụ của Facebook và Google vẫn “sống khỏe” tại thị trường Việt Nam.

Tình huống thứ ba, Google và Facebook không tuân thủ, cơ quan chức năng Việt Nam chặn dịch vụ, thì người dùng Việt không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ của Google và Facebook như hiện nay (đây là cách Trung Quốc đang áp dụng). Trường hợp này, không phải Google và Facebook “rút” khỏi Việt Nam, mà là ngược lại, không vào được Việt Nam.

Dư luận đang bị cuộc tranh cãi lái theo hướng hiểu sai rằng, nếu Google và Facebook “rút” đi thì Công nghiệp 4.0 cũng sẽ mất. Cần biết rằng, hiện có hàng chục ngàn Cty công nghệ cung cấp những giải pháp Công nghiệp 4.0 chứ không chỉ có Google hay Facebook.

Và Công nghiệp 4.0, nghĩ cho cùng, quan trọng nhất là việc chính các doanh nghiệp Việt phát huy phát kiến, sáng tạo, áp dụng các giải pháp công nghệ về học máy, trí tuệ nhân tạo v.v… trên nền kết nối Internet tốc độ cao chứ không phải chỉ biết dùng những thứ du nhập từ nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn