MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm giao dịch chỉ lác đác người chuẩn hóa. Ảnh: Hữu Chánh

Hạn chót khóa thuê bao 2 chiều, điểm giao dịch chỉ lác đác người chuẩn hóa

HỮU CHÁNH LDO | 15/04/2023 12:42

Khoảng 1,2 triệu thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa hai chiều từ hôm nay (15.4), trong khi nhiều điểm giao dịch của nhà mạng chỉ rải rác khách hàng đến thực hiện thủ tục chuẩn hóa.

Theo ghi nhận của Lao Động, khác với những ngày cuối tháng 3.2023, khi người dân đổ xô đi cập nhật thông tin trước hạn chót, những ngày gần đây, nhiều điểm giao dịch của nhà mạng chỉ lác đác người đến chuẩn hóa.

Quản lý một cửa hàng giao dịch nhà mạng trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) - cho biết, những ngày vừa qua, không có quá nhiều người dân đến làm thục tục chuẩn hóa thông tin thuê bao.

"Hôm nay 15.4, số lượng người đến chuẩn hóa có đông hơn 1 chút so với những ngày trước. Tuy nhiên người dân cũng không phải chờ đợi lâu như 2 ngày 30 và 31.3 vừa qua" - quản lý nhà mạng này nói và cho biết, thời gian xử lý cho các khách hàng chỉ mất từ 5-10 phút.

Mặc dù số lượng khách hàng không đông đúc, nhưng cửa hàng vẫn tăng cường thêm nhân sự túc trực, đồng thời kéo dài thời gian làm việc tới 21h hàng ngày để phục vụ khách hàng có nhu cầu.

 Người dân đến làm thủ tục chuẩn hóa thuê bao ở điểm giao dịch của nhà mạng VinaPhone. Ảnh: Hữu Chánh

Ghi nhận của Lao Động tại điểm giao dịch tại nhà mạng MobiFone (số 97 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng vắng vẻ người dân đến chuẩn hóa. Điểm giao dịch của Viettel (số 184 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng trong vào tình trạng tương tự, khi chỉ có lác đác ít người đến chuẩn hóa thông tin thuê bao.

Theo thống kê của Cục viễn thông, từ 1.4 hết ngày 13.4, khoảng 473.000 thuê bao đã đi cập nhật và hoạt động bình thường trở lại. Số này chỉ chiếm 28,3% trong tổng số 1,67 triệu thuê bao bị khóa một chiều từ ngày 31.3 do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, ước tính đến 15.4, vẫn còn 1,2 triệu thuê bao chưa đi chuẩn hóa và sẽ bị khóa hai chiều theo đúng lịch đã quy định.

"Sau khi khóa hai chiều, chủ thuê bao sẽ phải mang giấy tờ ra điểm giao dịch của nhà mạng để thay đổi thông tin, trước khi bị thu hồi số trong vòng 30 ngày nữa" - ông Nhã nói.

Điểm giao dịch của Viettel trên đường Hoàng Quốc Việt cũng không có nhiều người đến chuẩn hóa. Ảnh: Hữu Chánh

Thống kê cho thấy, hai tuần qua, số thuê bao đi chuẩn hóa không nhiều. Nhà mạng VinaPhone cho biết, khoảng 530.000 trong tổng số 1,1 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa đã cập nhật dữ liệu trong tháng 3.

Còn từ đầu tháng 4 tới nay, nhà mạng này chỉ ghi nhận thêm 70.000 SIM chuẩn hóa, tức vẫn còn hơn 400.000 SIM bị khóa.

Cửa hàng nhà mạng MobiFone cũng thưa thớt khách hàng đến chuẩn hóa. Ảnh: Hữu Chánh

Một chuyên gia về viễn thông nhận định, những thuê bao đã khóa một chiều từ 1.4 mà chủ thuê bao vẫn không cập nhật thông tin, rất có thể đây đều là SIM đang không được sử dụng, SIM rác, hoặc chủ SIM không có nhu cầu sử dụng.

Liên quan đến những khó khăn trong quá trình chuẩn hóa, một số nhà mạng cho biết, do nhiều thuê bao rải rác ở nhiều nơi, trong đó có cả ở khu vực vùng sâu vùng xa, chưa tiếp cận được thông tin. 

Một nhóm người dùng không rành sử dụng điện thoại, không thường xuyên đọc tin nhắn nên cũng không nắm được thông báo. Cũng có tình trạng người dùng tưởng thông báo của nhà mạng là tin nhắn rác nên bỏ qua.

Người dân chỉ mất 5-10 phút để hoàn thành việc chuẩn hóa. Ảnh: Hữu Chánh

Bên cạnh đó, có thể nhiều SIM trong diện bị khóa là SIM phụ, không được sử dụng thường xuyên, hoặc chỉ dùng để truy cập Internet nên người dùng không có ý định chuẩn hóa.

Ngoài ra, các nhà mạng cũng ghi nhận những trường hợp như người dùng đang ở nước ngoài, hoặc đang gặp các vấn đề cá nhân nên không thể đến điểm giao dịch chuẩn hoá...

Theo đại diện Cục Viễn thông, đợt chuẩn hóa chỉ nhắm đến những thuê bao có thông tin không khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Những trường hợp sử dụng SIM không chính chủ, SIM đăng ký bằng giấy tờ cũ như chứng minh nhân dân nhưng khớp với cơ sở dữ liệu sẽ không thuộc diện phải cập nhật.

Tuy nhiên, Cục Viễn thông khuyến khích người dùng chủ động kiểm tra thông tin, đăng ký SIM chính chủ, chuyển sang số căn cước công dân để có đầy đủ quyền lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn