MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về tình hình lừa đảo qua mạng vào ngày 8.5.2024. Ảnh: Tô Thế

Hành vi người dùng là lỗ hổng bảo mật yếu nhất của internet

Anh Vũ LDO | 08/05/2024 17:24

Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, tổng số báo cáo liên quan tới an ninh mạng, lừa đảo qua mạng trong quý 1 năm 2024 là hơn 29.000 vụ.

Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 8.5, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - nhà đồng sáng lập Cypeace và Chongluadao.vn đã chỉ ra những mối nguy hiểm tiềm tàng trên mạng internet, đồng thời hướng dẫn cách phân biệt, nhận biết và phòng chống những mối nguy hiểm này.

Theo đó, chỉ trong quý I năm 2024, đã có tới hơn 29.000 báo cáo liên quan tới an ninh mạng, lừa đảo qua mạng được tiếp nhận. Trong số đó, tỉ lệ gia tăng vào tháng 3 là 25,41%, cao hơn gần 5 lần so với tỉ lệ gia tăng số vụ lừa đảo vào tháng 2 (5,37%)

Trong các loại hình lừa đảo qua mạng đang diễn ra trên mạng xã hội, có tới 24 loại hình thường gặp, chia làm 3 nhóm chính bao gồm: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và cuối cùng là các hình thức lừa đảo kết hợp. Đối tượng nhắm tới của các loại hình này là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, công nhân/người lao động và nhân viên văn phòng.

Đáng chú ý hơn, ông Hiếu đã chỉ ra cách thức mà một hacker có thể lấy toàn bộ thông tin cá nhân, mật khẩu và tài khoản ngân hàng của một người trên mạng internet chỉ trong vòng một phút. Tuy vậy, theo ông Hiếu, những thông tin này được bán với giá khá rẻ, chỉ 10 USD (tương đương hơn 250.000 đồng).

Theo Microsoft, mỗi ngày có tới hơn 560.000 phần mềm độc hại mới được phát hiện, khiến rủi ro mất thông tin khi tham gia mạng internet ngày càng tăng cao. Trong khi đó, theo ông Hiếu, con người chính là lỗ hổng bảo mật yếu nhất khi tham gia mạng internet khi có xu hướng thích click vào những đường link, thông tin lạ hoặc tải về những tệp tin độc hại.

Cùng với đó, trong các vụ lừa đảo qua mạng, kẻ lừa đảo thường dùng các thủ đoạn "thao túng tâm lý", khiến nạn nhân tin tưởng và làm theo những gì chúng hướng dẫn. Khi nạn nhân tin rằng họ đang được hướng dẫn bởi một cơ quan có thẩm quyền, hoặc một đối tác đáng tin tưởng, họ sẽ tuân theo các yêu cầu này.

Từ đó, nạn nhân sẽ dễ dàng bị kẻ gian thao túng, cung cấp thông tin cần thiết để chúng có thể truy cập vào các tài khoản quan trọng như tài khoản ngân hàng, tài khoản Facebook hay tài khoản đăng nhập hệ thống làm việc của công ty, tổ chức.

Trao đổi về cách thức để tự bảo vệ mình trước các nguy hại này, chuyên gia Ngô Minh Hiếu cho biết, người dùng internet cần tự trang bị các thông tin về lừa đảo qua mạng trước, thường xuyên kiểm tra, nghi ngờ trước các thông tin trên mạng.

Bên cạnh đó, những thói quen như lưu mật khẩu vào trình duyệt, sử dụng mật khẩu đơn giản là rất nguy hiểm, người dùng internet nên sử dụng những phần mềm lưu trữ mật khẩu offline để tránh rủi ro không đáng có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn