MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những "nông dân số" trên vùng chè Thái Nguyên. Ảnh: Nguyễn Tùng

Hình thành những "nông dân số" ở miền núi

Văn Tùng LDO | 25/07/2023 08:32

Hợp tác xã Chè Tình Hoan là một trong những cơ sở chế biến chè của huyện miền núi Đồng Hỷ (Thái Nguyên) sử dụng mã QR Code trên sản phẩm. Điều này cho thấy, chuyển đổi số đã về những vùng nông thôn, khu vực miền núi xa xôi...

So với phương thức tra cứu xuất xứ truyền thống, việc gắn mã QR trên bao bì sản phẩm cho hiệu quả tốt.

Bà Nguyễn Thị Tình - HTX Chè Tình Hoan cho biết, chỉ một mã bé nhỏ thế này thôi nhưng chứa đựng nhiều thông tin về sản phẩm chứ không phải in ấn nhiều.

Cũng theo bà Tình: "Quan trọng nhất là hạn chế nhiều việc sản phẩm bị làm giả. Tra cái mã này trên điện thoại là biết chính hiệu chè của HTX, khách hàng người ta cũng yên tâm và tin tưởng khi mua hàng".

Trên vùng chè Thái Nguyên đã hình thành những "nông dân số" trong xu hướng chuyển đổi số đã len lỏi vào từng xóm làng. Với hạ tầng công nghệ như hiện nay, chuyển đổi đã giúp sản phẩm tiếp cận nhanh và thuận tiện hơn tới người tiêu dùng.

Tuy vậy, chuyển đổi số ở khu vực miền núi vẫn còn những nút thắt mà chủ yếu là vấn đề con người.

Bà Đào Thanh Hào - HTX Chè Hảo Đạt - cho biết, trong HTX vẫn còn khá nhiều xã viên chưa thực hành tốt việc bán hàng trực tuyến, thao tác trên máy còn hạn chế. Đặc biệt là tư duy và cách làm chưa theo kịp sự phát triển khi những suy nghĩ lối mòn vẫn còn.

“Một số chị em quen bán hàng thẳng cho thương lái đến nhà theo mối quen, việc này đã hình thành từ lâu và họ cũng ngại xuất hiện trên mạng, thực hành trên máy cũng chưa thành thạo. Câu chuyện ở đây vẫn là tư duy chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ” - bà Hảo cho hay.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số trên địa bàn.

Với tổng số 2.255 tổ công nghệ cộng đồng được thành lập cùng gần 17.000 người là thành viên tham gia, việc này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh Thái Nguyên.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên - cho biết, hiện nay người nông dân đã hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhất là tại các vùng sâu, miền núi nơi điều kiện giao thông khó khăn thì việc bán hàng bằng các kênh trực tuyến được cho khá hiệu quả.

“Cái được nhất là thay đổi tư duy người nông dân. Theo đó, tư duy mới của người nông dân gần như là yếu tố quyết định bởi họ là chủ thể của quá trình này” - ông Sỹ nhận định.

Tuy vậy, cũng theo vị Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên, mặc dù chuyển đổi số đang diễn ra nhanh, mạnh mẽ ở khu vực miền núi nhưng đi kèm với đó là những nút thắt cần được tháo gỡ. Người nông dân là trung tâm và cũng là nút thắt.

Ông Sỹ cho hay: “Công nghệ đã có, nhưng để sử dụng thì không phải ai cũng làm được. Đơn cử như bán hàng trên mạng cho hiệu quả tốt nhưng để làm được thì cần có kỹ năng, làm chủ được thiết bị để tiếp cận nhiều người hơn.

Những điểm nghẽn này chúng tôi đang tập trung tháo gỡ bằng việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho người nông dân thông qua các buổi học, đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong và ngoài địa phương”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn