MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các trợ lý ảo có thể hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân trong nhiều lĩnh vực. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Hướng dẫn phát triển các trợ lý ảo để hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân

Anh Vũ LDO | 22/02/2024 11:21

Trong bối cảnh chuyển đổi số các ngành và nền kinh tế, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) diện hẹp đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2024.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) định nghĩa: “AI diện hẹp là AI chuyên biệt, tập trung và do người dùng tạo ra. Các hệ thống AI diện hẹp được thiết kế và huấn luyện cho một nhiệm vụ cụ thể để có hiệu quả cao trong phạm vi, chức năng được xác định trước”.

AI diện hẹp chỉ nằm dưới sự kiểm soát của cá nhân hoặc tổ chức khác với AI diện rộng là AI của bên thứ ba, để dùng chung, đòi hỏi cần phải tuân thủ quy định (các nguyên tắc, hướng dẫn, kiểm tra…) của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), AI diện hẹp mang lại nhiều cơ hội và lợi thế cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước. Khả năng tiếp cận thông tin chuyên ngành giúp các doanh nghiệp có thể phát triển các ứng dụng AI phục vụ cho nhu cầu cụ thể của từng ngành, lĩnh vực.

VNPT là một trong những ví dụ điển hình cho việc áp dụng AI vào sản xuất và kinh doanh. Việc sử dụng AI trong phân tích lịch sử tiêu dùng đã giúp VNPT tạo ra các mô hình đánh giá nhu cầu sử dụng dịch vụ, từ đó tăng doanh số bán hàng và giảm tỷ lệ nợ xấu.

Trong kế hoạch hành động năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung vào việc phát triển AI diện hẹp để phục vụ cho chuyển đổi số các ngành và lĩnh vực. Công nghệ AI sẽ được cung cấp như một dịch vụ, giúp nhiều cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với chi phí phù hợp.

Các doanh nghiệp công nghệ trong nước như FPT đã đầu tư đặc biệt vào phát triển AI. Từ việc thu hút các nhân tài toàn cầu đến việc xây dựng trung tâm phát triển AI tại Quy Nhơn, FPT đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển công nghệ này. Nền tảng FPT.AI đã thu hút hàng triệu người dùng và đóng góp vào sự tăng trưởng doanh thu của Tập đoàn.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, với cơ quan nhà nước, AI có thể hỗ trợ xử lý hàng trăm nghìn văn bản và giúp cán bộ, công chức giải quyết công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hướng dẫn phát triển các trợ lý ảo để hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Với những tiềm năng và lợi ích mà AI diện hẹp mang lại, việc phát triển công nghệ này không chỉ là cơ hội mà còn là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số và xã hội Việt Nam trong thời đại 4.0.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn