MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
IOC Huế ra đời đã nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu, đóng góp vào mọi mặt của đời sống xã hội tại địa phương. Ảnh: IOC Huế

IOC Huế và khát vọng xây dựng thành phố hạnh phúc

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 02/08/2022 19:50
Sau 3 năm triển khai, Trung tâm Giám sát và điều hành Đô thị thông minh (IOC) Huế đạt được nhiều thành tựu, đóng góp lớn vào sự thay đổi bộ mặt của tỉnh Thừa Thiên Huế và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho người dân.

Ngày 25.7.2019, Trung tâm Giám sát và điều hành Đô thị thông minh (IOC) Huế do Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel – Viettel Solutions (Thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) thiết kế và phát triển đã khai trương, đóng vai trò là bộ não tổng hợp, giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh trên toàn tỉnh.

IOC Huế ra đời từ đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt vào tháng 8.2018. Đây là kết quả của sự phối hợp khảo sát, đánh giá, ứng dụng thí điểm các giải pháp Công nghệ thông tin (CNTT) của chính quyền tỉnh và Viettel Solutions với mục tiêu xây dựng thành công Chính quyền điện tử, Đô thị thông minh, hướng đến hiện đại hóa nền hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án IOC của Huế là dự án smart city đầu tiên của Việt Nam đạt giải "Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á" tại Giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019. Dự án đóng góp vai trò quan trọng giúp Thừa Thiên Huế được xếp ở vị trí thứ hai toàn quốc về chỉ số DTI (Digital Transformation Index - Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông) ở cấp tỉnh tại cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số năm 2020, kết quả được công bố vào tháng 10.2021.

Với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc quản lý thông IOC Huế, người dân địa phương đã kết nối với chính quyền một cách nhanh chóng, thuận tiện. Nhờ IOC, Huế đang tiến từng bước vững chắc để trở thành thành phố hạnh phúc. Ảnh: IOC.

IOC Huế đang triển khai đồng thời 10 dịch vụ, bao gồm: Phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị và an toàn giao thông; thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn mạng và giám sát tàu cá. Viettel cũng đã phát triển nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp chính quyền tỉnh (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội tỉnh đồng thời kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo Khung Kiến Trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Nhờ IOC là "trái tim", chính quyền số của Huế với các công cụ như Hue-S, Hue-G đã chứng minh hiệu quả chỉ sau 6 tháng đi vào thực tiễn. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, hiệu quả lớn nhất là thay đổi nhận thức về thông tin giữa các cơ quan tham gia, tạo ra một quy trình làm việc có thể khắc phục những hạn chế hành chính thông thường, giảm bớt áp lực nhân sự và kết nối người dân với chính quyền một cách thuận tiện, minh bạch.

Đến nay, sau 3 năm, thông qua IOC, tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ đô thị thông minh trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng một “chính quyền phục vụ” như mục tiêu của các lãnh đạo tỉnh, tạo niềm tin vững chắc cho người dân. Một cụm từ “thành phố hạnh phúc” gói gọn bức tranh cuộc sống của những cư dân Huế.

Dù chưa hoàn thiện một đô thị như vậy nhưng xứ Huế trầm mặc nay đã và đang mang hình thái của một đô thị hiện đại, năng động song vẫn bảo toàn các nét văn hóa riêng biệt của một cố đô, nơi mà ý kiến của người dân được xem như chỉ thị của Chủ tịch tỉnh và chính quyền là chính quyền phục vụ.

Giai đoạn tiếp theo, đơn vị thiết kế sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền Huế “nâng cấp” chính quyền số 2.0 với mục tiêu thực hiện hóa sứ mệnh sử dụng công nghệ số mang lại hiệu quả cho các tổ chức, hạnh phúc cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn