MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Logo của Samsung tại một cửa hàng ở London, Anh. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Xinhua

Khó khăn bủa vây ngành sản xuất chip Hàn Quốc

Duy Phương LDO | 04/03/2023 10:30

Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đối mặt với thách thức khó khăn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Korea Herald nhận định. 

Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc có thể không chỉ phải đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu với chất bán dẫn mà còn đối mặt với trở ngại từ những hạn chế của Mỹ với sản xuất tại Trung Quốc.

Mỹ được cho là đang lên kế hoạch hạn chế mức độ chip tiên tiến mà các nhà sản xuất Hàn Quốc có thể sản xuất tại Trung Quốc với danh nghĩa ngăn chặn chuyển giao công nghệ bán dẫn tiên tiến của Washington cho các đối thủ cạnh tranh.

"Chúng ta đang ở trong thời kỳ công nghệ là động lực để phát triển sức mạnh quân sự, với những công nghệ tiên tiến, quan trọng, hiện đại và chất bán dẫn là trung tâm" - Alan Estevez, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phụ trách công nghiệp và an ninh chia sẻ tuần trước. 

Tháng 10.2022, các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc được cấp giấy phép 1 năm để tiếp tục sản xuất sản phẩm của họ tại Trung Quốc. Thời gian ân hạn là một phần trong các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với chip và các công nghệ khác sang Trung Quốc.

Ông Estevez nghĩ rằng, Mỹ không nên kéo dài thời gian ân hạn sau tháng 10 năm nay và có thể áp đặt nhiều biện pháp kiểm soát hơn đối với hoạt động sản xuất chip ở Trung Quốc.

Korea Herald chỉ ra, nếu Mỹ thực hiện những chính sách như vậy vào tháng 10 tới thì có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho toàn bộ ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc. Các nhà xuất khẩu khác của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix có liên kết chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc về sản xuất và xuất khẩu chip.

Hàn Quốc xuất khẩu khoảng 40% chip sang Trung Quốc - thị trường vô cùng quan trọng với các nhà sản xuất chip trong khu vực. Nhà máy sản xuất chip của Samsung ở thành phố Tây An (Trung Quốc) sản xuất khoảng 40% sản phẩm bộ nhớ flash NAND của công ty, trong khi nhà máy của SK Hynix ở thành phố Vô Tích (Trung Quốc) sản xuất khoảng 48% chip DRAM.

Cho đến nay, Samsung Electronics và SK Hynix được ước tính đã đầu tư hơn 50 nghìn tỉ won (37 tỉ USD) vào các cơ sở sản xuất chip của Trung Quốc. Nếu bị Mỹ chặn, phần lớn khoản đầu tư lớn của các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể trở nên vô nghĩa. Hơn nữa, những rắc rối với các nhà máy Trung Quốc có thể khiến Samsung và SK Hynix phải đối mặt với phản ứng dữ dội.

Theo Đạo luật CHIPS và Khoa học, chính phủ Mỹ dự kiến nhận đơn xin trợ cấp từ các công ty có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip ở nước này. Nếu muốn nhận trợ cấp cho kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất chip ở Mỹ, Samsung và SK Hynix phải ký một văn bản hạn chế sản xuất chip ở Trung Quốc trong 10 năm tới. Tùy theo cách Mỹ điều chỉnh các quy định, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc có thể bị mắc kẹt với các công nghệ lỗi thời tại các nhà máy của họ ở Trung Quốc.

Tờ báo của Hàn Quốc chỉ ra, chính phủ Hàn Quốc khó có khả năng phản ứng về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn của Mỹ. Năm 2022, các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc chịu bước thụt lùi nghiêm trọng do Đạo luật Giảm Lạm phát mang tính bảo hộ tương tự của Mỹ.

Đạo luật này yêu cầu khoản tín dụng thuế lên tới 7.500 USD cho những người mua xe điện được lắp ráp ở Bắc Mỹ. Lo ngại gia tăng khi 2 công ty lắp ráp xe điện tại các nhà máy Hàn Quốc là Hyundai Motor và Kia Corp có thể mất thị phần tại Mỹ.

Theo Korea Herald, chính phủ Hàn Quốc nên đảm bảo rằng các nhà sản xuất chip của nước này sẽ không gặp phải những bất lợi tương tự thông qua tổ chức đàm phán tích cực với chính phủ Mỹ và tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực của chính sách kiểm soát xuất khẩu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn