MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khổ sở vì mạng chậm khi 4 tuyến cáp quang biển cùng đứt

Vân Trường LDO | 06/02/2023 10:59

Đường truyền mạng chậm thời gian qua khiến nhiều người dùng bị ảnh hưởng công việc, giải trí. Trong khi đó, 4 tuyến cáp quang biển cùng đứt chưa được khắc phục.

Chị Thanh Hà (32 tuổi) - một nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết, tốc độ internet chập chờn thời gian qua khiến công việc của chị bị ảnh hưởng tương đối lớn. 

"Công việc của tôi thường xuyên phải tải dữ liệu. Trước đây, một file vài trăm MB trước tải về trong tích tắc, còn bây giờ chỉ mong tải về được thành công đã mừng. Tốc độ tải hiện tại chỉ 4 Mb/giây so với 60 - 70Mb/giây như trước đây" - chị Hà nói.

 Mạng chậm khiến nhiều người bị ảnh hưởng công việc, giải trí. Ảnh: Vân Trường

Làm trong lĩnh vực phần mềm, anh Thanh Hải (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, mỗi khi đường truyền Internet gặp sự cố, công việc của anh bị giảm hiệu quả đi nhiều.

"Một số app do chúng tôi viết, mạng chậm người dùng không thể truy cập vào được lại tưởng app bị lỗi" - kỹ sư công nghệ thông tin này cho biết.

Không chỉ ảnh hưởng công việc, nhiều người dùng bức xúc vì chất lượng giải trí cũng bị giảm.

"Đi làm cả ngày về mệt mỏi, chỉ muốn lướt Facebook, xem tí phim để giải trí, nhưng thư giãn đâu không thấy chỉ thấy bức xúc, bực bội thêm vì mạng quá chậm" - anh Đăng Mạnh (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) nói.

Người dùng này bày tỏ bức xúc cho biết, hiện mỗi tháng mất gần 300 nghìn đồng tiền mạng nhưng những ngày qua lại phải đăng ký mua thêm dung lượng gói 4G trên điện thoại rồi phát cho các thiết bị khác sử dụng rất tốn kém.

Ngoài ra, nhiều người kinh doanh online cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mạng chậm, khiến họ không thể livestream bán hàng hoặc lượng người xem các buổi livestream bị giảm sút nghiêm trọng.

"Mạng quá chậm khiến tôi không thể livestream để chào mời dù hàng mới về rất nhiều. Mà cho dù có livestream được thì lượng người xem cũng chẳng đáng kể vì mọi người cũng bị mạng chậm, không thể xem livestream liền mạch được" - chị Liên Phương, một người kinh doanh online ở Bắc Ninh, cho hay.

Kết quả đo bằng website Speedtest tại công ty anh Hải sáng 6.2 là 4,49 Mb/giây so với 60 - 70 Mb/giây so với trước đây. Ảnh: Vân Trường

Nhiều người dùng cho rằng, đứt cáp là sự cố bất khả kháng, nhưng nhà mạng cần phải có phương án để đền bù cho người dùng, khi khách hàng vẫn phải trả đủ tiền cước hàng tháng nhưng lại không nhận đúng tốc độ dịch vụ như đã cam kết.

Tốc độ Internet của Việt Nam thường xuyên chập chờn nhiều tháng nay, khi 4 tuyến cáp quang biển là AAG, APG, AAE và IA cùng đứt. Hiện, Việt Nam chỉ còn duy nhất một tuyến cáp có thể khai thác trọn vẹn là SMW3, cùng một số tuyến phụ trên đất liền.

Ngay sau khi xảy ra sự cố tuyến cáp quang biển IA ngày 28.1 vừa qua, các nhà mạng tại Việt Nam cho hay, họ đã nhanh chóng lên các phương án định tuyến, điều tiết dung lượng trên những hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền; đồng thời mua bổ sung dung lượng ứng cứu nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ cấp cho khách hàng.

Tuy vậy, khi sự cố xảy ra đồng thời trên cả 4 hệ thống cáp quang biển, việc truy cập internet quốc tế của người dùng Việt Nam đều bị ảnh hưởng, nhất là trong giờ cao điểm và đối với các hoạt động đòi hỏi băng thông internet tốc độ cao như chơi game trực tuyến, xem phim… 

Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, người dùng Internet Việt Nam có thể thông cảm với các nhà mạng, về việc trong một vài tuần tới, chất lượng Internet sẽ không được như thông thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn