MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo thuyết tương đối, thời gian không phải là một đại lượng tuyệt đối, nó thay đổi theo tốc độ di chuyển của chủ thể. Ảnh: The Conservation

Khoa học đưa ra giả thuyết về cách thời gian trôi đi

Anh Vũ LDO | 23/05/2023 14:36

Thách thức các quan niệm truyền thống về thời gian là tuyệt đối, nhiều nhà nghiên cứu đang thảo luận về các lý thuyết cho rằng thời gian là tương đối và đan xen với không gian, một khái niệm mâu thuẫn với kinh nghiệm chủ quan của chúng ta. 

Không có ý thức về thời gian, cuộc sống của chúng ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng ở cấp độ cơ bản nhất, các nhà vật lý không chắc liệu loại thời gian mà chúng ta trải qua có thực sự tồn tại hay không.

Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng thời gian là tuyệt đối và phổ quát, giống nhau đối với mọi người, mọi nơi và tồn tại độc lập với chúng ta. Nó vẫn được xử lý theo cách này trong cơ học lượng tử, cơ học quy định thế giới vi mô của các nguyên tử và hạt.

Nhưng thuyết tương đối của Albert Einstein, áp dụng cho tự nhiên ở quy mô lớn, cho thấy rằng thời gian là tương đối chứ không phải tuyệt đối.

Chẳng hạn, nó có thể tăng tốc hoặc chậm lại tùy thuộc vào tốc độ chủ thể di chuyển. Thời gian cũng đan xen với không gian thành “không-thời gian”.

Những lý thuyết của Einstein cho phép các nhà khoa học hiện đại hình dung vũ trụ theo một cách mới: như một khối bốn chiều tĩnh, với ba chiều không gian (chiều cao, chiều rộng và chiều sâu) và thời gian là chiều thứ tư.

Theo đó, thời gian là một chiều của vũ trụ và nó không "trôi" như chúng ta vẫn hình dung.

Nếu điều đó đúng, câu hỏi đặt ra là tại sao trải nghiệm của chúng ta về thời gian "trôi" lại mạnh mẽ như vậy? Một câu trả lời là entropy, một đại lượng chỉ sự hỗn loạn, luôn tăng trong vũ trụ.

Sean Carroll, nhà vật lý tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), giải thích rằng khi nghiên cứu các con số, kết quả chỉ ra rằng vũ trụ sơ khai có mức entropy rất thấp.

“Vũ trụ rất, rất có tổ chức và không ngẫu nhiên. Theo thời gian, nó giãn nở, ngẫu nhiên và vô tổ chức hơn”, ông cho biết.

Tuy nhiên, chúng ta không biết tại sao vũ trụ bắt đầu với mức entropy thấp như vậy. Carroll cho rằng có thể là do chúng ta là một phần của đa vũ trụ chứa nhiều vũ trụ khác nhau. Trong một thế giới như vậy, một số vũ trụ sẽ phải bắt đầu với mức entropy thấp.

Mặt khác, Emily Adlam, một nhà triết học vật lý tại Viện triết học Rotman, Đại học Western Ontario (Canada), tin rằng bí ẩn về lý do tại sao vũ trụ của chúng ta bắt đầu với entropy thấp là một vấn đề bắt nguồn từ các giả định về thời gian.

“Cá nhân tôi rất ủng hộ quan điểm cho rằng thời gian không trôi. Đây là một loại ảo tưởng xuất phát từ cách mà chúng ta tình cờ hòa nhập vào thế giới”, bà cho biết. 

Adlam cho rằng, cách tốt nhất để hiểu được thời gian là loại bỏ nó hoàn toàn khỏi các lý thuyết về tự nhiên của chúng ta và loại bỏ nó ra khỏi các phương trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn