MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang tăng cao - minh chứng cho thấy, kinh tế số tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: Phan Tâm

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 01/11/2023 14:05

Theo báo cáo thường niên do Google, Temasek và đơn vị tư vấn kinh doanh toàn cầu Bain & Company thực hiện, kinh tế số Đông Nam Á tăng trưởng chậm trong năm 2023 nhưng Việt Nam vẫn phát triển nhanh nhất so với các nước.

Theo báo cáo được đưa ra hôm 1.11, nền kinh tế số của Đông Nam Á được dự đoán sẽ có trị giá 295 tỉ USD vào năm 2025, giảm so với ước tính trước đó là 330 tỉ USD.

Riêng trong năm 2023, kinh tế số tại Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 11%, chậm hơn so với mức 20% của cùng kỳ năm ngoái.

“Các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số đang cho thấy quỹ đạo tăng trưởng tích cực, với du lịch và vận tải đang trên đà vượt mức trước đại dịch vào năm 2024” - Florian Hoppe, Đối tác và Giám đốc Vector tại châu Á-Thái Bình Dương của Bain & Company, cho biết.

Theo các chuyên gia, việc kinh tế số của khu vực Đông Nam Á tăng trưởng chậm hơn trước là do thay đổi các mục tiêu dài hạn và ổn định sau đại dịch. Họ nhận định, kinh tế số của khu vực sẽ tăng trưởng ổn định theo “một đường bằng” cho đến năm 2025.

Đông Nam Á có 11 quốc gia, với hơn nửa tỉ người, dân số chủ yếu trẻ, sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh. Đó là những lí do khiến Đông Nam Á trở thành một trong những thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới - nền tảng để phát triển kinh tế số.

Cũng theo báo cáo này, kinh tế số Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng 20% mỗi năm, từ năm 2023-2025 và đang trên đà đạt 45 tỉ USD vào năm 2025, nhanh nhất Đông Nam Á cùng với Philippines.

“Thanh toán kỹ thuật số tiếp tục phát triển ở Việt Nam nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng thương mại và sự phổ biến rộng rãi của mã QR”, báo cáo nêu rõ lí do kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh so với tỉ lệ chung của khu vực.

Báo cáo cũng cho biết, nguồn tài trợ từ tư nhân cho các lĩnh vực liên quan đến kinh tế kỹ thuật số đã giảm xuống mức như năm 2017, sau khi tăng cao kỷ lục vào năm 2021. Nhưng dự trữ tiền mặt cho đầu tư vẫn tăng, bất chấp các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn