MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự phát triển nhanh của công nghệ đã tạo nên những xu hướng mới, làm mờ đi khoảng cách giữa không gian vật lý và không gian số. Ảnh: Chụp màn hình

Kinh tế vật lý số trong sự bùng nổ về công nghệ

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 28/09/2023 06:29

Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, quy mô nền kinh tế vật lý số được dự báo sẽ đạt mức 200 nghìn tỉ USD trong 5-10 năm tới.

Sự phát triển của vật lý số

Phigytal (vật lý số) là thuật ngữ chỉ sự hội tụ của thế giới thực và thế giới số, phá vỡ mọi rào cản, tạo nên sự phát triển bền vững. Nó là một cuộc cách mạng về công nghệ được phát triển dựa trên sự bùng nổ về công nghệ điện toán, Internet vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối (blockchain)…

Thực tế, ứng dụng vật lý số đã và đang diễn ra trong mọi mặt của đời sống, thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của người dùng trên thế giới như triển lãm số, thư viện số… thông qua những sản phẩm, giải pháp công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) hay thực tế hỗn hợp (MR)…

“Trong tương lai, mọi vật thể vật chất sẽ là phygital, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ và các nền tảng tích hợp. Còn các môi trường trực tuyến vốn chỉ tồn tại trên không gian số như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… sẽ được tích hợp cùng hiện hữu với vật thể thực một cách toàn diện, chứ không còn là một phần bổ sung phụ trợ”, báo cáo của Leta Captial chỉ rõ.

Dễ hiểu hơn, vật lý số sẽ thay đổi toàn diện cuộc sống của con người trong tương lai từ cách mọi người sinh sống, làm việc, học tập, giải trí… và nhiều thứ khác nữa. Do đó, nền kinh tế vật lý số sẽ có bước phát triển chóng mặt trong tương lai.

Thống kê năm 2020 cho thấy, quy mô thị trường kinh tế thế giới là 84.000 tỉ USD, trong đó kinh tế số là 9.000 tỉ USD… Nhưng theo dự báo của các chuyên gia từ Leta, trong 5-10 năm tới, quy mô kinh tế vật lý số sẽ đạt 200.000 tỉ USD.

Công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường ngày càng hiện diện rõ rệt trong đời sống con người. Ảnh: Meta

Vật lý số sẽ tác động toàn diện đến mọi ngành kinh tế lớn nhất thế giới. Báo cáo của Yahoo Finance năm 2021, quy mô thị trường toàn cầu của ngành dịch vụ tài chính là 21 nghìn tỉ USD, nhưng có tiềm năng lên đến 30 nghìn tỉ USD khi triển khai vật lý số… Tác động tích cực của vật lý số cũng sẽ diễn ra ở các ngành khác như xây dựng, thương mại điện tử, viễn thông, dịch vụ ăn uống, năng lượng, ôtô…

Chẳng hạn, trong lĩnh vực bán lẻ, việc triển khai vật lý số có thể giúp các đơn vị trực quan hoá danh mục sản phẩm, tối ưu hoá không gian kho, nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu, có khả năng cung cấp các sản phẩm được cá nhân hoá đến người dùng, giúp khách hàng tương tác với thương hiệu… Những thương hiệu khổng lồ của thế giới như Gucci, Ikea, Lego, Boss hay L’Oreal… đều đã ứng dụng vật lý số trong hoạt động kinh doanh.

Vật lý số gắn liền với sự bùng nổ về công nghệ

Sự ra đời và phát triển của vật lý số gắn chặt với sự bùng nổ về công nghệ. Thống kê năm 2021 cho thấy, mỗi người trên thế giới dành trung bình 6 giờ/ngày trên Internet, bao gồm 3,6 giờ trên điện thoại thông minh, 2 giờ trên máy tính bàn hoặc máy tính xách tay và 0,7 giờ trên các thiết bị được kết nối khác. Tốc độ phát triển của công nghệ thông tin nhanh hơn gấp 2,5 lần so với sự tăng trưởng GDP thế giới trong 15 năm qua.

Tim Cook, CEO của Apple từng dự báo thực tế ảo tăng cường (AR) – công nghệ cốt lõi của vật lý số sẽ có tác động mạnh mẽ đến thế giới như điện thoại thông minh hiện tại. Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đang tạo nên một cuộc đua căng thẳng về số đơn xin cấp bằng sáng chế công nghệ VR, AR hàng năm. Chẳng hạn năm 2022, Microsoft đã xin cấp 10.400 bằng sáng chế, Meta có 8.800, Intel có 7.190 bằng sáng chế,…

Vật lý số sẽ tiếp tục xu hướng bùng nổ trong thời gian tới khi Internet đã len lỏi, tác động vào mọi mặt của đời sống. Năm 2022, ước tính thế giới có 6,4 tỉ chiếc điện thoại thông minh; tổng số thiết bị tích hợp công nghệ thực tế ảo ARKit trên hệ điều hành Ios là 1,5 tỉ; trên Android là 1 tỉ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn