MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngôi sao WR 124 được bao quanh bởi một đám mây bụi vũ trụ ngay trước khi trở thành siêu tân tinh. Ảnh: NASA

Kính viễn vọng bắt kịp khoảnh khắc một ngôi sao trước khi lụi tàn

Thùy Trang LDO | 20/03/2023 10:35

Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) của NASA đã chụp được hình ảnh của ngôi sao WR 124 ngay trước khi nó tự phát nổ và trở thành siêu tân tinh.

Bức ảnh từ Kính viễn vọng không gian James Webb do NASA công bố gần đây đã bắt kịp hình ảnh một ngôi sao Wolf-Rayet có tên là WR 124, được bao quanh bởi một đám mây bụi vũ trụ

Khi trở thành siêu tân tinh, nó có khối lượng gấp 30 lần mặt trời và  đang loại bỏ dần lớp vật chất của mình.

Cho đến nay, nó đã phóng ra lượng khí bụi có khối lượng gấp 10 lần Mặt Trời. Đây là một hiện tượng hiếm thấy trong vòng đời của một số ngôi sao được gọi là Wolf-Rayet (WR).

"Chỉ một vài trong các ngôi sao có khối lượng lớn trải qua giai đoạn Wolf-Rayet ngắn trước khi trở thành siêu tân tinh. Do đó, việc kính viễn vọng ghi được lại khoảnh khắc này rất có giá trị đối với các nhà thiên văn học", các quan chức NASA viết trong phần mô tả về các hình ảnh.

Ngôi sao khổng lồ nằm cách chúng ta 15.000 năm ánh sáng trong chòm sao Nhân Mã.

JWST lần đầu tiên chụp được ảnh WR 124 vào tháng 6.2022, ngay sau khi nó đi vào hoạt động. Quầng sáng của ngôi sao được chụp với độ chi tiết chưa từng có nhờ khả năng phát hiện ánh sáng hồng ngoại của khí khi nó nguội đi để tạo thành bụi vũ trụ.

NASA cho biết đám mây có thể tồn tại sau vụ nổ siêu tân tinh và góp phần tăng lượng bụi trong vũ trụ. 

“Bụi là một phần không thể thiếu trong hoạt động của vũ trụ. Nó che chở cho các ngôi sao đang hình thành, tập hợp lại với nhau để tạo nên các hành tinh và đóng vai trò là nền tảng cấu tạo các phân tử đồng thời kết tụ chúng lại với nhau", NASA chia sẻ.

Vũ trụ hiện chứa nhiều bụi hơn những gì các nhà thiên văn học có thể giải thích. Những quan sát thông qua Kính viễn vọng James Webb như thế này có thể góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc bí ẩn của vấn đề trên.

Trước những ghi chép của JWST, các nhà thiên văn không có đủ thông tin chi tiết để giải đáp các câu hỏi về việc tạo ra bụi trong vũ trụ và liệu các hạt bụi có đủ lớn hay nhiều để tồn tại trong siêu tân tinh, trở thành một đóng góp đáng kể cho toàn bộ lượng bụi trong vũ trụ hay không. 

Giờ đây, những câu hỏi trên có thể được khám phá và điều tra với dữ liệu thực tế.

Việc nghiên cứu các trường hợp tương tự như WR 124 thông qua Kính viễn vọng James Webb có thể giúp các nhà thiên văn học lý giải rõ ràng hơn những gì xảy ra trong vũ trụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn