MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhờ có James Webb, các nhà khoa học có thể quan sát được nhiều điều về vũ trụ trong quá khứ hơn. Ảnh: NASA

Kính viễn vọng James Webb chụp được hố đen siêu lớn ở xa Trái đất nhất

Anh Vũ LDO | 09/07/2023 15:22

Kính viễn vọng không gian James Webb đã mang đến cho các nhà khoa học khả năng khám phá các thiên thể kì lạ, chẳng hạn như các thiên hà cổ đại mà theo lí thuyết là không tồn tại.

Giờ đây, trong dự án Khảo sát Khoa học Phát hành Sớm về Tiến hóa Vũ trụ (CEERS), các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hố đen siêu lớn đang hoạt động ở xa Trái đất nhất mà chúng ta từng thấy cho đến nay, theo Engadget.

Nhờ những hình ảnh hồng ngoại gần và trung mà James Webb đã chụp, các nhà nghiên cứu đã có thể tìm thấy một hố đen siêu lớn trong thiên hà mà họ đặt tên là CEERS 1019.

Họ cũng có thể xác định rằng hố đen này đã tồn tại chỉ 570 triệu năm sau vụ nổ lớn Big Bang và nó có khối lượng bằng khoảng 9 triệu lần Mặt trời. Ngoài ra, dữ liệu do kính viễn vọng cung cấp cho phép họ đi đến kết luận rằng hố đen đang ăn rất nhiều khí và tạo ra những ngôi sao mới.

Thành viên nhóm CEERS Jeyhan Kartaltepe thuộc Viện Công nghệ Rochester ở New York giải thích: “Sự hợp nhất của các thiên hà có thể chịu trách nhiệm một phần trong việc thúc đẩy hoạt động trong hố đen và điều đó cũng có thể dẫn đến gia tăng sự hình thành sao”.

Với khối lượng 9 triệu lần Mặt trời, lỗ đen này nhỏ hơn nhiều so với các hố đen siêu nặng đang hoạt động khác từng được phát hiện trước đây. Những thiên thể đó thường chứa khối lượng lớn hơn 1 tỉ lần so với Mặt trời, khiến chúng sáng và dễ phát hiện hơn.

Hố đen CEERS 1019 giống với lỗ đen ở trung tâm thiên hà của chúng ta, có khối lượng gấp khoảng 4,6 triệu lần khối lượng mặt trời. NASA cho biết, các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng các hố đen nhỏ hơn phải tồn tại sớm hơn trong vũ trụ, nhưng phải đến khi James Webb đi vào hoạt động, họ mới có thể xác nhận sự hiện diện của chúng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn