MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp. Ảnh: ĐỨC TOÀN

“Làm khoa học phải đam mê, đánh đổi và cống hiến”

KIM ĐỒNG LDO | 02/05/2018 07:30
“Nghiên cứu khoa học đòi hỏi một quá trình lâu dài tìm tòi. Nhiều năm cũng chưa chắc đã đạt được kết quả như mong muốn. Muốn thành công phải đam mê, nỗ lực cố gắng hết mình, và cần có cả sự động viên, thấu hiểu, giúp sức của gia đình.

Để có được những thành tựu nghiên cứu như ngày hôm nay, tôi đã trải qua một hành trình phấn đấu không mệt mỏi, thậm chí có lúc tưởng chừng không vượt qua được...”.

Đam mê nghiên cứu từ nhỏ

“Từ thời còn học cấp 2, tôi đã rất thích làm các thí nghiệm. Tôi đã tự đo độ PH, nước vo gạo, lượng muối… để thí nghiệm ngâm măng tươi sao cho măng ăn ngon, giữ được lâu và an toàn sức khỏe. Lúc đó, nhiều người rất thích ăn măng ngâm tôi làm” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp mỉm cười nhớ lại. Có lẽ, chính những thí nghiệm rất đỗi đời thường ấy từ thời “con trẻ” là khởi nguồn cho những đam mê nghiên cứu khoa học sau này của chị.

“Đã có những lúc tôi muốn từ bỏ công việc - chị mỉm cười kể tiếp - Thời điểm ở nước ngoài làm nghiên cứu sinh, tôi được nhiều nơi có môi trường tốt để nghiên cứu khoa học mời ở lại, nhưng tôi đã quyết định về Việt Nam làm việc. Những ngày đầu về nước, tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiết bị máy móc, cơ sở vật chất trong trường thiếu thốn, trường chỉ mới có thiết bị y tế chứ chưa có phòng thí nghiệm, thiết bị y tế lại không liên quan đến lĩnh vực y học tái tạo mà tôi nghiên cứu; Tôi và GSTS Võ Văn Tới, trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh phải đi vay tiền của Đại học Quốc gia TPHCM mua từ những thiết bị đơn giản nhất để làm thí nghiệm.

Ngoài ra là vấn đề kinh phí cho nghiên cứu - một thách thức cho các nhà khoa học, đặc biệt ở Việt Nam. Để có kinh phí, tôi phải tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài, tôi phải viết hàng loạt bài báo nhằm kiếm thêm tiền thưởng từ trường về cho nhóm… Rồi có những thời điểm, tôi thực hiện đề tài nghiên cứu không lương, rồi tôi làm mẹ,… Tôi đã phải đấu tranh, phải lựa chọn, nhưng rồi vẫn kiên quyết theo nghề”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi “Ở nước ta, hình như cho tới giờ, người ta thường nhìn một người nghiên cứu khoa học là nữ với con mắt “thương cảm” hơn so với một nhà nghiên cứu khoa học là nam. Chị đã “rơi” vào tình cảnh này bao giờ chưa và sự “thương cảm” đấy phải chăng càng là động lực để chị quyết chí vươn lên nghiên cứu, hoàn thành xuất sắc các đề tài, ý tưởng của mình?”, TS Hiệp chia sẻ, “Trong nghiên cứu không hề có sự thương cảm, và nếu có thì tôi cũng không bận tâm, tôi chỉ tập trung làm, đam mê và hy vọng sẽ làm được điều gì đó cho xã hội.”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp. Ảnh: ĐỨC TOÀN

Mong nghiên cứu sớm đưa vào thực tiễn…

Công trình nghiên cứu với tựa đề sử dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà nhằm giảm áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các đô thị của TS Hiệp đã xuất sắc đạt giải nhất tại Giải thưởng Khoa học ASEAN - Mỹ với số tiền thưởng 20.000 USD.

Nghiên cứu tập trung vào các vật liệu sinh học như keo sinh học và các bộ dụng cụ khâu vết thương không dùng kim, có thể sử dụng dễ dàng để thực hiện sơ cứu hiệu quả hơn. Các vật liệu sinh học và thiết bị y tế thông minh này có thể giúp mọi người chăm sóc sức khỏe tại nhà giúp giảm nhiều áp lực cho các dịch vụ chăm sóc y tế tại các thành phố lớn, nơi có dân số đông do di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng gia tăng.

“Sở dĩ tôi có ý tưởng này, bởi từ nhỏ tôi thường xuyên chứng kiến cảnh người nông dân ở vùng quê nơi tôi sinh sống bị tai nạn lao động do máy cày, máy xới… dẫn đến bị thương ở tay, chân và nhiều vùng khác trên cơ thể gây chảy máu nhiều. Lúc đó, người dân không biết làm cách nào để cầm máu hiệu quả. Nhiều người được chuyển đi cấp cứu từ nơi xảy ra vụ việc đến các cơ sở y tế trên địa bàn thì nguy kịch do mất máu quá nhiều hay vết thương bị nhiễm trùng… Việc này, không chỉ người bệnh bị ảnh hưởng mà còn gây áp lực cho bệnh viện trong việc chữa trị.

Tôi mong muốn tìm ra một giải pháp hữu hiệu nhất để giúp người dân đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo… để họ biết được, ngoài việc ra bệnh viện chữa trị, tạo ra những thiết bị mà người bệnh chỉ cần ở nhà vẫn có những thiết bị kiểm tra. Những dữ liệu đó chuyển lên bệnh viện và một bác sĩ có thể nhìn được tất cả dữ liệu ở nhiều nơi, họ sẽ đưa ra loại thuốc gì mà người bệnh nên uống”.

Đề tài nghiên cứu của TS Hiệp đã và đang được nhiều người biết đến, đặc biệt quan tâm, nhưng điều chị lo lắng nhất là bảo vệ dự án này. Hiện chị đang xúc tiến việc làm bằng sáng chế. “Sau khi qua Thụy Sĩ học về việc bảo vệ ý tưởng khi mình làm nghiên cứu và sản phẩm nghiên cứu của mình, tôi mới biết được, việc sáng chế này không phải bảo vệ cho mỗi bản thân mình mà bảo vệ cả dân tộc, bảo vệ con người sau này. Giả sử, nếu mình không bảo vệ sáng chế của mình, thì những nước khác thấy được thành tựu này họ sẽ bảo vệ và bán lại sản phẩm với giá rất đắt…

Tôi mong tất cả các nhà khoa học phải chú ý đến bằng sáng chế và phải biết bảo vệ cái gì mình làm ra. Tôi cũng sẽ cố gắng bảo vệ được sáng chế, đưa ra thị trường sản phẩm với giá rẻ và mong có sự giúp đỡ của Nhà nước để sớm đưa ra sản phẩm.”

TS Hiệp cho biết, ở nước ngoài thường có một đội ngũ chuyên tìm tòi những nghiên cứu có tiềm năng và động viên, hướng dẫn người nghiên cứu tham gia vào các cuộc thi khoa học. Tuy nhiên, ở nước ta việc này chủ yếu là người nghiên cứu tự tìm hiểu và tự tham gia cuộc thi. Đây cũng là lý do, trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học lớn mang tầm thế giới, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài đạt giải.

Ngoài ra, làm khoa học phải gắn kết, gắn liền với ứng dụng thực tiễn, nhìn vào vấn đề xã hội cần và làm để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Hiện nay, Nhà nước có những nghị quyết rất có ích cho các nhà khoa học và nghiên cứu về y học, điều này sẽ giúp khoa học trong nước phát triển.

Nghe chúng tôi hỏi về tương lai, TS Hiệp chia sẻ: “Tôi mong chúng ta có những viện, bệnh viện - nơi nghiên cứu có thể chẩn đoán ung thư sớm hay bệnh mới lạ và phải có liệu pháp điều trị và phổ biến cách điều trị bệnh mới, lạ…”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp. Ảnh: ĐỨC TOÀN

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp tốt nghiệp cử nhân Hóa tại Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, chị về nước, làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh trường ĐH Quốc Tế (ĐH Quốc gia TPHCM),…

Chị có 35 công bố khoa học ISI, 6 công bố khoa học thuộc Tạp chí Quốc tế, 10 bài báo trong nước và hơn 60 bài báo khoa học trong các Hội nghị Quốc tế…

Công trình nghiên cứu keo chống chảy máu dùng sơ cứu cho người sống xa bệnh viện nhận giải thưởng Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L’Oréal và UNESCO tháng 3.2018.

Hiện nay, Phòng Thí nghiệm y học tái tạo đã và đang nghiên cứu được những lĩnh vực y học ngang bằng với thế giới, TS Hiệp đang hợp tác với các nhà khoa học Hàn Quốc để nghiên cứu và cải thiện một số giải pháp về xương xi măng. Một dự án khác hợp tác với các nhà khoa học châu Á là nghiên cứu Nano bạc như chất kháng sinh, để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh quá nhiều như hiện nay; và nhóm đã phát hiện Nano bạc là một giải pháp tiêu diệt được rất nhiều loại vi khuẩn, vi rút; Một dự án khác nghiên cứu về loãng xương với các nhà khoa học ở Anh…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn