MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiết bị giả mạo trạm BTS. Ảnh: Công an tỉnh Gia Lai

Lập trạm BTS giả phát tán tin nhắn khiêu dâm trên điện thoại

HỮU CHÁNH LDO | 27/03/2023 15:16

Với trạm BTS giả này, các đối tượng có thể đặt tên tin nhắn (brandname) theo mong muốn, sau đó đặt BTS giả xen vào giữa kết nối của điện thoại và trạm BTS thật để thực hiện cuộc tấn công trung gian, nhằm mục đích lừa đảo người dùng.

Ngày 21.3, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra và bắt quả tang một người sinh năm 1995, trú tại tỉnh Quảng Nam, vận hành thiết bị giả mạo trạm phát sóng BTS khi đang đỗ xe tại đường Nguyễn Tất Thành, TP Pleiku.

Theo lời khai, người này thừa nhận dùng thiết bị giả trạm BTS để phát tán tin nhắn rác với nội dung khiêu dâm.

Các tin nhắn này đi kèm đường link nhằm dẫn dụ người quanh khu vực truy cập và tải ứng dụng có nội dung đồi trụy, từ đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây không phải lần đầu người dùng Việt Nam nhận được tin nhắn SMS lừa đảo kiểu này.

Tháng 9.2022, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an phát hiện đường dây tội phạm xuyên quốc gia do người nước ngoài cầm đầu, chuyên phát tán tin nhắn lừa đảo.

Kẻ chủ mưu sử dụng thiết bị sản xuất ở nước ngoài để làm giả trạm thu, phát sóng di động của doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Bộ thiết bị có thể giả mạo đầu số tin nhắn của cơ quan, tổ chức.

Khi thu thập được thông tin thuê bao di động, mỗi ngày chúng phát tán từ 40.000 - 80.000 tin nhắn trên mỗi bộ thiết bị.

Tin nhắn rác với nội dung khiêu dâm được phát tán từ trạm BTS giả mạo. Ảnh: Hữu Chánh

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, đây là tin nhắn lừa đảo, dụ người dùng truy cập đường link để cài phần mềm độc hại hoặc đánh cắp thông tin tài khoản. Thủ đoạn chung của chiêu lừa trên là sử dụng trạm phát sóng giả trạm BTS của nhà mạng.

Các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, thiết bị nhỏ gọn, thường xuyên thay đổi vị trí, địa điểm phát tán hoặc có thể dễ dàng mang theo khi di chuyển trên các phương tiện vận tải.

Do đó việc xác định đối tượng, vị trí thực hiện hành vi vi phạm là hết sức khó khăn.

Trao đổi với Lao Động, ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia - cho biết, trạm BTS giả là thiết bị không được phép hoạt động, lưu hành tại Việt Nam. Thiết bị này dùng tần số trùng với nhà mạng, vi phạm điều cấm "sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông".

Ngoài ra, hành vi này gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở hạ tầng viễn thông; tấn công, phá hoại hệ thống thông tin... được quy định trong Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và Luật An toàn thông tin mạng.

Theo ông Hiếu, những thiết bị giả mạo BTS được bán trên một số nền tảng thương mại điện tử nước ngoài với giá vài trăm triệu đồng và có thể phủ sóng trong phạm vi 2 km.

Máy tính và thiết bị giả trạm BTS giả hoạt động trên xe ôtô. Ảnh: Công an tỉnh Quảng Nam

Với trạm BTS giả này, các đối tượng có thể đặt tên tin nhắn (brandname) theo mong muốn. Sau đó đặt BTS giả xen vào giữa kết nối của điện thoại và trạm BTS thật, để thực hiện cuộc tấn công trung gian nhằm mục đích lừa đảo người dùng.

Trước những cách thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, khi nhận được tin nhắn có nội dung khiêu dâm, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, tin nhắn có gắn kèm theo đường liên kết (link), tin nhắn từ số điện thoại người thân hỏi vay tiền… phải thận trọng, kiểm tra kỹ, không nên thực hiện theo yêu cầu cũng như không ấn vào các đường liên kết trên tin nhắn để đề phòng kẻ xấu lừa đảo.

Mặt khác, khi phát hiện dấu hiệu bất thường, khả nghi của tin nhắn nhận được, phát hiện người lắp đặt thiết bị điện tử lạ, nhất là tại khu vực có mật độ dân cư đông đúc cần thông báo kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan Công an để ngăn chặn, xử lý.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn