MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai tàu vũ trụ Voyager được NASA gửi đi để khám phá không gian bên ngoài Hệ Mặt trời. Ảnh: NASA

Lệch ăng-ten, tàu vũ trụ mất liên lạc với NASA

Anh Vũ LDO | 01/08/2023 17:57

Tàu Voyager 2 của NASA đã mất liên lạc với Trái đất do sự thay đổi hướng ăng-ten không chủ ý của nó.

Một loạt mệnh lệnh được gửi từ Trái đất tới tàu vũ trụ Voyager 2 của NASA vào ngày 21.7 đã dẫn đến sự thay đổi hướng ăng-ten ngoài ý muốn và khiến nó lệch 2 độ so với Trái đất.

Voyager 2, tàu thám hiểm vũ trụ của NASA hiện đang ở cách Trái đất hơn 9,9 tỉ km, đã bị gián đoạn liên lạc với ăng-ten mặt đất của Mạng không gian sâu (DSN). Do sai lệch hướng ăng-ten, tàu vũ trụ không thể gửi dữ liệu tới DSN và nó cũng không nhận được lệnh từ bộ điều khiển mặt đất.

Voyager 2 được lập trình để điều chỉnh hướng ăng-ten của nó nhiều lần trong suốt cả năm để giữ liên lạc với Trái đất. Lần điều chỉnh tiếp theo được ấn định vào ngày 15.10, dự kiến sẽ giúp NASA thiết lập lại liên lạc với tàu vũ trụ của họ. Bất chấp sự gián đoạn, nhóm sứ mệnh hy vọng Voyage 2 sẽ đi đúng quỹ đạo đã định trong suốt giai đoạn này.

Tàu thám hiểm vũ trụ Voyager 2 đã mất liên lạc với NASA do lệch hướng ăng-ten. Ảnh: NASA

Ngược lại, tàu vũ trụ Voyager 1 hiện đang cách Trái đất gần 24 tỉ km, vẫn đang tiếp tục hoạt động mà không gặp bất kỳ sự cố nào.

Voyager 1 và 2 là hai tàu vũ trụ được NASA phóng vào năm 1977 với mục tiêu chính là khám phá không gian bên ngoài Hệ Mặt trời. Mặc dù đã hơn bốn thập kỷ trôi qua, chúng vẫn hoạt động và gửi dữ liệu khoa học có giá trị về Trái đất.

Voyager 1 được phóng vào ngày 5.9.1977 và nhiệm vụ của nó là bay ngang qua Sao Mộc và Sao Thổ. Trong hành trình của mình, Voyager 1 đã cung cấp những hình ảnh và dữ liệu chi tiết về hai hành tinh khí khổng lồ này và các mặt trăng của chúng, bao gồm cả việc phát hiện ra những ngọn núi lửa đang hoạt động trên mặt trăng của Sao Mộc và các hệ thống vành đai phức tạp xung quanh Sao Thổ.

Vào năm 2012, Voyager 1 đã làm nên lịch sử khi trở thành tàu vũ trụ đầu tiên đi vào không gian giữa các vì sao, vùng không gian bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta.

Voyager 2, được phóng vào ngày 20.8.1977, là tàu vũ trụ duy nhất đã bay qua cả bốn hành tinh bên ngoài của Hệ Mặt trời, bao gồm Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương.

Nó tiết lộ những chi tiết quan trọng về các hành tinh này và mặt trăng của chúng, bao gồm cả việc phát hiện ra khu vực tối lớn của Sao Hải Vương và từ trường lệch tâm của Sao Thiên Vương.

Cả hai tàu vũ trụ đều mang theo “Bản ghi vàng”, bản ghi âm có chứa âm thanh và hình ảnh được chọn để mô tả sự đa dạng của cuộc sống và văn hóa trên Trái đất.

Những bản ghi này nhằm mục đích truyền đạt câu chuyện về thế giới của chúng ta tới bất kỳ trí thông minh ngoài Trái đất nào có thể tìm thấy chúng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn