MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc đăng tải thông tin cá nhân của mình và người thân lên mạng xã hội có thể tiềm ẩn nguy cơ trở thành "con mồi" cho những kẻ lừa đảo qua mạng. Ảnh: AFP

Mạng xã hội, mỏ thông tin cho những kẻ lừa đảo qua mạng

Anh Vũ LDO | 28/03/2023 10:28

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin liên quan tới các vụ lừa đảo qua mạng. Từ lừa nạn nhân bằng các công nghệ cao như deepfake tới giả làm cô giáo, bác sĩ để lừa các vị phụ huynh nhẹ dạ. Vậy, những kẻ lừa đảo này lấy thông tin từ đâu?

Các vụ gọi điện giả làm cô giáo, bác sĩ để thông báo cho phụ huynh nhằm lừa tiền chỉ là một trong những thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại.

Những thủ đoạn này ngày càng tinh vi khi kẻ lừa đảo bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thông tin nạn nhân một cách kỹ càng.

Khi nhận được những thông tin cá nhân như tên, tuổi, lớp học của con, nhiều nạn nhân mất cảnh giác nên dễ bị dẫn dụ, làm theo yêu cầu của những kẻ lừa đảo.

Nếu người dân không cẩn thận trong cách quản lý thông tin, họ rất dễ trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo. Nguồn gốc thông tin của những kẻ này thường rất đa dạng, từ những thông tin được ghi lại trên giấy tờ của trường, lớp học thêm, tới thông tin đăng ký dịch vụ của các cửa hàng. Tuy nhiên, có một nơi mà người dân “tự động” cung cấp thông tin cho kẻ lừa đảo, đó chính là các mạng xã hội.

Trên các hội nhóm hay trang mạng xã hội cá nhân, nhiều vị phụ huynh đang vô tư khoe con. Nhưng bên cạnh thành tích, nhiều thông tin cá nhân của con trẻ cũng “vô tình” được đưa lên mạng, trở thành nguồn thông tin để những kẻ lừa đảo lợi dụng. Khi có đầy đủ thông tin đối tượng tiềm năng, những kẻ lừa đảo gọi điện cho phụ huynh và báo những thông tin đầy bất ngờ và đáng lo như "con anh/chị đang cấp cứu”.

Những thông tin dạng này dễ làm người nhận hốt hoảng, mất bình tĩnh và dễ làm theo yêu cầu của kẻ lừa đảo, thường là cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu ngân hàng hoặc chuyển tiền cho chúng.

Thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh và những thành tựu khi được “khoe” không cẩn thận trên internet rất dễ bị biến thành “nguyên liệu” cho những kẻ lừa đảo. Ảnh: AFP 

Không chỉ lộ thông tin con trẻ, hình ảnh và thông tin của người dân đăng lên Facebook hay các mạng xã hội dễ trở thành “nguyên liệu” cho các vụ lừa đảo công nghệ cao. 

Công nghệ deepfake, vốn đã gây nhiều chú ý trên thế giới vài năm qua, đã bị lợi dụng để lừa đảo tại Việt Nam gần đây. Theo đó, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake, là công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao, gọi video để giả làm người thân, con cái để vay tiền hay nhờ chuyển tiền, hay vẫn là những “bài” lừa đảo cũ như tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu…

Khi gọi video, độ tin cậy của kẻ lừa đảo tăng cao, hơn là chỉ nhắn tin vay tiền. Theo The Guardian, công nghệ deepfake sử dụng hình ảnh của con người để làm thông tin đầu vào, sau đó ghi nhận thông tin khuôn mặt của họ và mô phỏng nó trên một khuôn mặt khác, giống như đeo một lớp mặt nạ ảo cho nhân vật video.

Điều khiến cho nhiều cuộc gọi lừa đảo gần đây thành công là kẻ xấu đã dành thời gian để nghiên cứu thông tin cá nhân của nạn nhân và áp dụng công nghệ cao trước khi lừa đảo.

Cùng với đó, trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, rất nhiều người dùng Việt hiện nay đua nhau ”khoe” công khai đời sống riêng tư, sinh hoạt gia đình, công việc, quan hệ của mình. Đây là một "mỏ vàng thông tin" cho những kẻ lừa đảo qua mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn