MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết sẽ đào tạo 10.000 nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Thi

Một trường đại học nhận đào tạo 10.000 nhân lực vi mạch bán dẫn cho Đà Nẵng

THÙY TRANG LDO | 10/10/2023 13:39

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết sẽ đào tạo 10.000 nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong thời gian tới tại TP Đà Nẵng. Điều này có thể giúp tạo ra hệ sinh thái, đưa Đà Nẵng phát triển thành trung tâm vi mạch bán dẫn mới.

Ngày 10.10, tại hội thảo phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn do UBND TP Đà Nẵng tổ chức, ông Trương Gia Bình đánh giá, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn mới. Trong đó, vấn đề nguồn nhân lực sẽ cần sự chung tay, hợp tác của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.

Cụ thể, mỗi năm Đại học FPT có từ 6.000 đến 7.000 sinh viên công nghệ tốt nghiệp thì sẽ được đào tạo tiếp trong 6 tháng với một doanh nghiệp sản xuất vi mạch như là Synopsys tại Đà Nẵng. Sinh viên sẽ được làm việc với các chuyên gia, được đào tạo từ xa. Từ đó, thành phố sẽ có hàng nghìn nhân lực có thể làm việc ngay ở các tập đoàn lớn. Thậm chí, nhân lực này có thể được gửi đi các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… để nâng cao trình độ.

Làm được như vậy thì TP Đà Nẵng sẽ thu hút được sinh viên cả nước về đây trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000 – 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

“Riêng Đại học FPT đã nhận đào tạo 15.000 nhân lực này thì dự kiến, cơ sở đào tạo chủ lực sẽ đặt tại Đà Nẵng với 10.000 nhân lực” – ông Bình cho hay.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho rằng, không chỉ đào tạo nhân lực sản xuất vi mạch cấp thấp mà Đà Nẵng phải đặt mục tiêu hợp tác các chương trình đào tạo vi mạch cấp cao, hiện đại nhất, nhân lực có thể phục vụ ở Việt Nam và nước ngoài.

Và khi Đà Nẵng trở thành nơi đào tạo hàng đầu về nhân lực vi mạch thì sẽ hấp dẫn các chuyên gia đến với thành phố. “Trong đó có những chuyên gia gốc Việt ở các nước khác trở về chung tay phát triển cho địa phương, thành phố cũng phải tính toán tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi họ về. Biết đâu họ có thể tận dụng nguồn nhân lực để tạo công ty riêng – tức là cơ hội cho tất cả chúng ta” – ông Bình chia sẻ.

Góp ý với Đà Nẵng về việc để trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn, ông Bình cho rằng thế giới đang nghĩ về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhưng hiện chỉ đang nói nhiều hơn làm.

Vậy để tạo sự khác biệt, thì Đà Nẵng đang là thành phố xanh – đã có dấu ấn riêng thì việc còn lại là phải quyết tâm trở thành "thành phố số". Đặc biệt, trong khi cả thế giới đang trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn thì Đà Nẵng cũng cần có khung pháp lý thuận lợi lớn nhất để phát triển ngành, đó là cơ chế, là đào tạo, là kết nối quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn