MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mua hàng online dịp tết: Đặt một đằng, gửi hàng một nẻo

Anh Vũ LDO | 13/01/2023 16:20
Tết chính là khoảng thời gian vàng của hoạt động mua bán hàng online. Các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam luôn cố gắng để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, nhưng không phải cửa hàng online nào cũng có tâm lý như vậy.

Tất bật mùa giao hàng

Nhờ sự tiến bộ của công nghệ và độ phủ sóng của điện thoại thông minh, thị trường mua sắm Việt Nam đã thay đổi một cách chóng mặt trong vài năm trở lại đây.

Hiện nay, mua hàng online đã trở thành một phần tất yếu của thị trường, thậm chí còn phát triển mạnh mẽ ở một số thị trường ngách, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đi mua và cửa hàng tiết kiệm chi phí.

Không khó để thấy các shipper mặc đồng phục trải bạt, để đồ ở vỉa hè gần các cụm cơ quan, văn phòng để chờ người nhận tới lấy.

Mùa lễ đã trở thành mùa cao điểm cho các shipper và các chủ shop bán hàng online. Không phải chạy xe cả ngày ở ngoài đường như các shipper, nhưng chủ shop cũng tất bật, vất vả theo một cách khác.

Mùa tết là mùa cao điểm của các shipper. Ảnh: Đức Thiện

Chị Phương Trang, ở Hoàng Mai, Hà Nội, đã kinh doanh online được một thời gian. Theo chị, mỗi dịp lễ tết hay chương trình sale lớn, chị và gia đình phải làm việc liên tục cả ngày để đáp ứng nhu cầu mua của khách hàng.

Không đơn giản như mua bán trực tiếp, chị Trang còn phải đóng, bọc hàng, ghi hóa đơn và phiếu vận chuyển rồi mang tới các bưu cục hoặc chờ shipper tới nhận hàng. Sau mỗi dịp như vậy, có khi chị dừng bán hàng từ 1-2 ngày để nghỉ ngơi.

Đặt một đằng, giao hàng một nẻo

Năm nay chị Nguyễn Thu Huyền, sống tại Đống Đa, Hà Nội, quyết định mua hàng tết qua các nền tảng mua sắm online và sàn thương mại điện tử. Việc này giúp chị tiết kiệm không ít thời gian, nhưng cũng gây ra kha khá rắc rối, nhất là ở công đoạn gửi/nhận hàng.

Chị Huyền cho biết, chị thường xuyên kiểm tra kỹ càng shop mà mình định đặt mua hàng online. Không chỉ xem số lượng sản phẩm được bán, chị còn kiểm tra cả những bình luận đánh giá shop, địa chỉ và đôi khi là thời gian online của chủ shop. Tuy đã rất cẩn thận để tránh nhầm lẫn trong khâu mua, nhưng chị Huyền lại không kiểm soát được khâu bán.

Theo đó, không dưới hai lần chị Huyền đã phải nhận một món hàng lạ, hay một chiếc áo không vừa người. Nhưng tình trạng này dường như gia tăng trong những ngày gần tết, khi các shop tất bật chuẩn bị hàng cho ngày lễ lớn nhất trong năm.

“Có lần tôi nhắn tin cho shop để kiểm tra xem có gửi đúng hàng cho mình không thì nhận được câu trả lời là hàng tôi đặt đã hết, nhưng shop lại gửi một mẫu khác đến địa chỉ của tôi. Sau đó, tôi có thắc mắc thì shop chỉ bảo tôi không cần nhận hàng nữa mà không có một lời xin lỗi”, chị Huyền chia sẻ.

Chủ shop trả lời về sai sót của mình một cách thản nhiên khi được hỏi. Ảnh: Anh Vũ

Trên các nền tảng thương mại lớn như Shopee, Lazada hay Tiki, TikTok đều không khó để thấy những bình luận đánh giá kêu ca về việc shop gửi nhầm hàng.

Đôi khi, các mặt hàng chỉ bị nhầm màu, hay có chút khác biệt, khách hàng vẫn bỏ qua. Nhưng nhiều shop thậm chí còn gửi sai kích cỡ, sai hàng so với đơn cho khách, khiến công việc nhận/trả hàng thành một gánh nặng về thời gian, nhất là khi Tết đã cận kề.

Chị Trang cho rằng, sai sót là điều không thể tránh khỏi, nhưng chị luôn tìm cách xin lỗi, đền bù cho khách hàng nếu chị gửi nhầm hay thiếu hàng. Theo chị, đối xử tốt với khách hàng thì họ sẽ quay trở lại, ngược lại thì chỉ bán được một vài món đồ rồi mất khách.

Nói về tình trạng gửi nhầm, thiếu hàng nói chung, chị Trang cho rằng, hầu hết các chủ shop đều cố gắng để chiều ý khách hàng và hỗ trợ hết mức nếu lỗi sai là từ phía shop. Tuy nhiên, vẫn có những shop, những cá nhân làm ăn chộp giật nhưng con số đánh giá của khách hàng sẽ thể hiện điều đó.

“Mua hàng online tưởng dễ mà rất khó, người mua nên tìm hiểu kỹ về mặt hàng cũng như cửa hàng mình lựa chọn để tránh phiền phức”, chị Trang chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn