MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: AFP

Mỹ công bố các bước hạn chế rủi ro của trí tuệ nhân tạo

Anh Vũ LDO | 01/11/2023 15:32

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ phát biểu và công bố các biện pháp hạn chế rủi ro của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu ở London (Anh).

Ngày 1.11, The New York Times đưa tin về kế hoạch công bố một loạt biện pháp bổ sung nhằm hạn chế rủi ro từ công nghệ trí tuệ nhân tạo của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khi bà chuẩn bị tham gia Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu ở Anh, nơi các nhà lãnh đạo thế giới và các chuyên gia sẽ thảo luận về tương lai của công nghệ.

Theo đó, trong chuyến thăm bắt đầu vào ngày 1.11 với bài phát biểu về chính sách tại Đại sứ quán Mỹ ở London (Anh), bà Harris dự định sẽ phác thảo các biện pháp bảo vệ mà chính phủ Mỹ sẽ tìm cách áp dụng để quản lý rủi ro của công nghệ AI, bao gồm một chính sách dự thảo mới từ Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ nhằm hướng dẫn cách các cơ quan liên bang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Bà cũng sẽ thông báo về việc 30 quốc gia khác đã tham gia “tuyên bố chính trị” do Mỹ đưa ra nhằm tìm cách thiết lập một “bộ quy tắc cho việc phát triển, triển khai và sử dụng AI quân sự có trách nhiệm”.

Sắc lệnh mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký hôm 30.10 đánh dấu nỗ lực quản lý cụ thể nhất của Mỹ trong lĩnh vực AI quân sự cho đến nay. Sắc lệnh này yêu cầu các công ty phải báo cáo với chính phủ liên bang về những rủi ro mà hệ thống của họ có thể bị lợi dụng để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nó cũng tìm cách giảm bớt mối nguy hiểm của “Deep Fake”, công nghệ có thể gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử hoặc lừa đảo.

Ngày 2.11, bà Harris sẽ đại diện cho Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh do thủ tướng Anh - Rishi Sunak - tổ chức, dự kiến ​​sẽ thu hút những nhân vật quan trọng trong giới công nghệ như Elon Musk và đại diện từ các quốc gia đang phát triển về AI như Trung Quốc.

Mỹ đã đi sau Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Israel trong việc quản lý công nghệ AI. Quốc hội nước này vẫn chưa thông qua luật lớn và nhiều điều khoản trong lệnh hành pháp của Tổng thống Biden phần lớn không thể thực thi.

Nhưng không vì vậy mà Mỹ tụt hậu. Chính quyền nước này đạt được thỏa thuận từ các công ty công nghệ hàng đầu, khi họ cam kết quản lý rủi ro trong cuộc đua tận dụng công nghệ và đã thiết lập “Kế hoạch chi tiết cho Tuyên ngôn Nhân quyền AI”, tập trung vào việc bảo vệ người tiêu dùng.

Thông điệp của bà Harris nhấn mạnh rõ ràng vào khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng của AI, bao gồm cả việc nó có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có như thế nào. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chương trình AI có thể vô tình tạo ra kết quả sai lệch, phân biệt chủng tộc, giới tính hoặc độ tuổi và gây ảnh hưởng tới người dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn