MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm vũ trụ quốc tế ISS đã mất liên lạc với NASA lần đầu tiên sau 24 năm. Ảnh: NASA

NASA mất liên lạc với trạm vũ trụ quốc tế ISS

Anh Vũ LDO | 27/07/2023 16:18

Lần đầu tiên trong vòng 24 năm qua, NASA đã mất liên lạc với trạm vũ trụ quốc tế ISS và phải nhờ tới hệ thống liên lạc của Nga.

Theo NASA, sự cố mất điện tại Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston (Mỹ) vào ngày 26.7 đã khiến liên lạc với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bị gián đoạn trong vòng 20 phút. Hệ thống liên lạc đã chuyển tiếp tin nhắn và mãi đến 90 phút sau mới hoạt động lại bình thường.

ISS là một trạm vũ trụ nằm ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Kể từ khi ra mắt vào năm 1998, nó đã được nhiều quốc gia và tổ chức cùng vận hành và sử dụng. Hiện tại, có bảy phi hành gia đang sống và làm việc trên trạm vũ trụ, đến từ nhiều nước khác nhau như Mỹ, Nga, Nhật Bản và Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Các phi hành gia này đồng thời cũng là các nhà khoa học đang tiến hành nhiều thí nghiệm khoa học và các hoạt động khám phá trên trạm vũ trụ. NASA báo cáo, đây là lần đầu tiên họ mất liên lạc với ISS sau 24 năm.

Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý rằng, sự cố mất điện không gây nguy hiểm gì cho trạm vũ trụ hoặc các phi hành gia đang sống và làm việc tại đây. Giám đốc chương trình ISS Joel Montalbano nói thêm rằng, NASA sẽ thăm dò sự cố và rút kinh nghiệm.

“Đó hoàn toàn là một vấn đề từ phía mặt đất, và cả phi hành gia lẫn trạm vũ trụ đều không gặp vấn đề gì”, ông cho biết.

Những người duy nhất có thể liên lạc với trạm vũ trụ là những người dự định cắt đứt quan hệ với nó vào năm tới. Theo The Guardian, NASA đã thử một số cách để liên lạc với trạm vũ trụ. Báo cáo nói rằng, ngoài việc sử dụng hệ thống dự phòng của NASA, cơ quan này cũng đã cố gắng liên lạc với các phi hành gia trên ISS bằng một hệ thống của Nga.

Hệ thống của Nga đóng vai trò là kênh liên kết dự phòng giữa NASA và trạm vũ trụ ISS. Bằng cách sử dụng hệ thống của Nga, NASA đã có thể liên lạc với các phi hành gia và đảm bảo an toàn và sức khỏe của họ.

Vấn đề liên lạc này gợi nhớ đến sứ mệnh đổ bộ lên mặt trăng của tàu Apollo, khi phi hành gia Michael Collins mất liên lạc với Trái đất ở mặt sau của Mặt trăng, trong khi Armstrong và Aldrin đang ở trên Mặt trăng để thực hiện chuyến đi bộ lịch sử.

Tuy nhiên, các phi hành gia trên trạm vũ trụ không phải đối mặt với sự cô đơn đó, do họ chỉ mất liên lạc trong 20 phút và vẫn có những người đồng nghiệp bên cạnh.

Sự kiện này cũng như một lời nhắc nhở tới NASA và các cơ quan hàng không vũ trụ rằng, dù chỉ cách bề mặt Trái đất vài trăm km, chúng ta vẫn có thể mất liên lạc với các phi hành gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn