MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình minh họa tàu Voyager 1 và 2 sắp rời khỏi nhật quyển, ranh giới ngăn cách hệ mặt trời của chúng ta với không gian giữa các vì sao. Ảnh: NASA/JPL

NASA thu được tín hiệu từ tàu vũ trụ bay cách trái đất 19,9 tỉ km

Hải Nguyễn LDO | 02/08/2023 16:42

Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ngày 1.8 xác nhận, các kỹ sư đã nhận được tín hiệu sóng từ tàu vũ trụ Voyager 2, bị mất liên lạc với trung tâm điều khiển NASA vào ngày 21.7 vừa qua.

Ngày 21.7, một loạt mệnh lệnh được gửi từ Trái đất tới tàu vũ trụ Voyager 2 của NASA dẫn đến việc thay đổi hướng ăng-ten ngoài ý muốn, khiến nó lệch 2 độ so với trái đất.

Kể từ đó, mọi liên lạc giữa trung tâm điều khiển Mạng không gian sâu của NASA với tàu Voyager 2 đã mất kết nối.

Voyager 2 hiện đang bay ngoài rìa của hệ mặt trời cách trái đất 19,9 tỷ km. Các kỹ sư của NASA hy vọng, họ có thể thiết lập lại liên lạc với tàu thăm dò trước thời hạn nhiều tháng.

Việc thu được tín hiệu “giống như việc nghe thấy “nhịp tim” của tàu vũ trụ, nó xác nhận rằng tàu vũ trụ vẫn đang phát sóng, điều mà các kỹ sư đã mong đợi”, các quan chức của JPL viết trên Twitter.

Thông qua tín hiệu “nhịp tim” thu được lần này, các kỹ sư không gian của NASA hy vọng có thể tái lập lại kết nối với tàu Voyager 2 trước thời hạn hàng tháng.

Thông thường, phải mất khoảng 18,5 giờ để một lệnh điều chỉnh hướng hướng ăng-ten gửi từ trái đất đến được Voyager 2 và 18,5 giờ nữa để trái đất nhận được tín hiệu phản hồi từ tàu thăm dò, theo Scientific American.

Do vậy, sớm nhất trong 2 ngày tới, các nhà khoa học có thể biết tình trạng thực tế của Voyager 2.

Nếu việc sắp xếp lại lần này không thành công, Voyager 2 dự kiến sẽ đặt lại ăng-ten của nó quay mặt về trái đất vào ngày 15.10, một trong những chuỗi tự động đặt lại theo kế hoạch diễn ra trong suốt cả năm.

Voyager 1 và 2 là hai tàu vũ trụ được NASA phóng vào năm 1977 với mục tiêu chính là khám phá không gian bên ngoài Hệ Mặt trời.

Mặc dù đã hơn bốn thập kỷ trôi qua, chúng vẫn hoạt động và gửi dữ liệu khoa học có giá trị về Trái đất.

Voyager 1 được phóng vào ngày 5.9.1977 và nhiệm vụ của nó là bay ngang qua Sao Mộc và Sao Thổ. Trong hành trình của mình, Voyager 1 đã cung cấp những hình ảnh và dữ liệu chi tiết về hai hành tinh khí khổng lồ này và các mặt trăng của chúng, bao gồm cả việc phát hiện ra những ngọn núi lửa đang hoạt động trên mặt trăng của Sao Mộc và các hệ thống vành đai phức tạp xung quanh Sao Thổ.

Vào năm 2012, Voyager 1 đã làm nên lịch sử khi trở thành tàu vũ trụ đầu tiên đi vào không gian giữa các vì sao, vùng không gian bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta.

Voyager 2, được phóng vào ngày 20.8.1977, là tàu vũ trụ duy nhất đã bay qua cả bốn hành tinh bên ngoài của Hệ Mặt trời, bao gồm Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương.

Nó tiết lộ những chi tiết quan trọng về các hành tinh này và mặt trăng của chúng, bao gồm cả việc phát hiện ra khu vực tối lớn của Sao Hải Vương và từ trường lệch tâm của Sao Thiên Vương.

Cả hai tàu vũ trụ đều mang theo “Bản ghi vàng”, bản ghi âm có chứa âm thanh và hình ảnh được chọn để mô tả sự đa dạng của cuộc sống và văn hóa trên Trái đất.

Những bản ghi này nhằm mục đích truyền đạt câu chuyện về thế giới của chúng ta tới bất kỳ trí thông minh ngoài Trái đất nào có thể tìm thấy chúng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn