MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xu hướng chuyển đổi số của ngành bán lẻ ngày càng mạnh. Ảnh: Thu Giang

Ngành bán lẻ linh hoạt, thích ứng chuyển đổi số

THU GIANG LDO | 10/12/2022 10:00

Ngành bán lẻ, dịch vụ Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều giải pháp chuyển đổi số để từng bước ổn định thị trường, phát triển các kênh phân phối, đồng thời chủ động đưa ra nhiều phương án thích ứng với nhu cầu tiêu dùng mới trong những tháng cuối năm 2022.

Linh hoạt thích ứng 

Tại chương trình tin dùng Việt Nam 2022 mới đây, đại diện nhiều nhà bán lẻ tại Việt Nam đều cho rằng, từ những tổn thất nặng nề trong đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đang là một trong những công cụ hiệu quả để các thương hiệu bán lẻ tối ưu vận hành, quản lý tốt đội ngũ nhân viên, nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp, từ đó tăng khả năng cạnh tranh và giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn.

Bà Phạm Thuỳ Linh - Giám đốc đối ngoại và đầu tư của tập đoàn Central Retail Việt Nam - cho biết, Central Retail đã nhanh chóng thay đổi kênh bán hàng theo sự dịch chuyển thói quen của người tiêu dùng, bằng cách tăng cường kênh bán hàng trực tuyến và đa kênh trên các nền tảng số phổ biến hiện nay, bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp.

Trong khi đó, tại hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy phát triển các ứng dụng di động, thanh toán bằng ví điện tử, quầy thanh toán tự động, khách hàng chỉ cần ứng dụng thanh toán có mã QR là có thể thanh toán các dịch vụ, sản phẩm một cách nhanh chóng, dễ dàng mà không cần đến tiền mặt.

Còn hệ thống MM Mega Market Việt Nam cũng đang hướng đến cá nhân hoá trải nghiệm cho B2B (khách hàng doanh nghiệp) bằng ứng dụng riêng biệt…

Chuyển đổi số để thích ứng với thị trường 

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng đang trở nên sôi động ở tháng cuối năm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 ước đạt 514.000 tỉ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng riêng tháng 11.2022 đã tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report cũng cho thấy, 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch COVID-19. Khảo sát cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ lâu bền thường cao hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh. Đặc biệt, trong sự phục hồi của các doanh nghiệp ngành bán lẻ đang có dấu ấn mạnh mẽ của chuyển đổi số.

Ngoài ra, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ không chỉ từ các chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn mà bằng cách tối ưu và mở rộng chuỗi giá trị tới khách hàng. Chiến lược này được chia làm 3 giai đoạn chính như thu thập dữ liệu sản phẩm, khách hàng, địa điểm bằng cách số hoá việc giao dịch, tối ưu hoá các khâu dựa trên dữ liệu khách hàng, thiết kế lại mô hình kinh doanh.

Theo TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (Vusta), trong khi mô hình bán hàng truyền thống vẫn đang đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam thì doanh nghiệp bán lẻ đang tạo thêm thế chân kiềng mới thông qua việc phát triển các nền tảng đa phương tiện, đa hình thức, các kênh mua sắm online hoặc sàn thương mại điện tử. 

Đây là tầm nhìn xa được doanh nghiệp chuẩn bị sẵn trong nền kinh tế chuyển đổi số đang chuyển biến mau lẹ. Chuyển đổi số không phải là đánh mất đi mô hình cũ mà là tận dụng sự thay đổi để ngành bán lẻ có thể hòa nhập đúng, chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.

Không chỉ là sự thay đổi về tư duy, theo TSKH Phan Xuân Dũng, trong “cơn sóng” chuyển đổi số hiện nay, mục tiêu của nhiều doanh nghiệp bán lẻ là tìm một giải pháp đa năng cho công cuộc chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp bán lẻ hiện đang tìm kiếm một công cụ có thể cùng lúc xử lý tốt các vấn đề của mô hình bán lẻ truyền thống, đồng thời khai thác tối đa cơ hội trong bán hàng trực tuyến đa kênh, nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế, thậm chí là tìm được trong đó cơ hội để phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn