MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cổng kết nối được lắp trên đầu để bệnh nhân kết nối với máy tính. Ảnh: Viện Nghiên cứu Y học Feinstein của Northwell Health

Nghiên cứu dùng trí tuệ nhân tạo giúp người liệt cử động trở lại

Anh Vũ LDO | 02/08/2023 16:25

Các nhà nghiên cứu tại Mỹ hy vọng có thể giúp những bệnh nhân bị liệt sống cuộc sống đầy đủ hơn, độc lập hơn nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Bệnh nhân Keith Thomas đến từ New York (Mỹ) bị tai nạn giao thông năm 2020, khiến các đốt sống C4 và C5 trên cột sống bị thương, dẫn đến mất hoàn toàn cảm giác và khả năng cử động từ ngực trở xuống.

Tuy nhiên, Thomas đã có thể cử động cánh tay theo ý muốn và có cảm giác nhờ công nghệ cấy ghép não được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) do Viện Y học Điện tử Sinh học Feinstein của Northwell Health (Mỹ) phát triển.

Theo Engadget, nhóm nghiên cứu đã dành nhiều tháng để lập bản đồ não của Keith bằng MRI để xác định chính xác các phần não chịu trách nhiệm cho chuyển động của cánh tay và cảm giác.

Sau đó, các bác sĩ phẫu thuật đã thực hiện một ca phẫu thuật kéo dài 15 giờ để cấy vi mạch vào não khi Keith Thomas còn tỉnh táo.

Điều này giúp ông có thể cho họ biết cảm giác có quay trở lại hay không, khi các bác sĩ thăm dò các bộ phận cơ thể ông.

Nhờ vào công nghệ trí tuệ nhân tạo, bệnh nhân bị liệt đã có hy vọng hồi phục khả năng cử động cũng như cảm giác. Ảnh: Viện Nghiên cứu Y học Feinstein của Northwell Health

Khi các vi mạch đã được đưa vào bên trong cơ thể, nhóm nghiên cứu cũng lắp đặt các cổng kết nối bên ngoài trên đỉnh đầu của Keith.

Các cổng đó có nhiệm vụ kết nối với máy tính được hỗ trợ bởi thuật toán AI, được phát triển để diễn giải suy nghĩ của bệnh nhân và biến chúng thành hành động.

Các nhà nghiên cứu gọi phương pháp này là "liệu pháp điều khiển bằng suy nghĩ". Ví dụ, nếu bệnh nhân nghĩ đến việc muốn cử động tay, bộ phận cấy ghép trong não của họ sẽ gửi tín hiệu đến máy tính, sau đó máy tính sẽ gửi tín hiệu đến các miếng dán điện cực trên cột sống và cơ tay của bệnh nhân để kích thích cử động. Họ cũng gắn các cảm biến vào đầu ngón tay và lòng bàn tay của bệnh nhân để kích thích cảm giác.

Nhờ hệ thống này, Keith đã có thể cử động cánh tay theo ý muốn và cảm nhận được em gái đang nắm tay mình trong phòng thí nghiệm. Trong khi anh ta cần được gắn vào máy tính để thực hiện thử nghiệm, các nhà nghiên cứu cho biết Keith đã có dấu hiệu phục hồi ngay cả khi hệ thống tắt.

Sức mạnh cánh tay của ông dường như đã tăng "hơn gấp đôi" kể từ khi nghiên cứu bắt đầu. Đồng thời, cẳng tay và cổ tay của ông giờ đây có thể cảm nhận được một số cảm giác.

Nếu mọi việc suôn sẻ, liệu pháp điều khiển bằng suy nghĩ của nhóm có thể giúp Keith lấy lại nhiều xúc giác và khả năng vận động hơn.

Nhóm nghiên cứu phương pháp này hy vọng, nó có thể thay đổi cuộc sống của những người bị liệt.

Chad Bouton, nhà phát triển công nghệ và điều tra viên chính của thử nghiệm lâm sàng, cho biết: "Đây là lần đầu tiên não, cơ thể và tủy sống của một người bị liệt được liên kết điện tử với nhau để khôi phục chuyển động và cảm giác. Khi người tham gia nghiên cứu nghĩ về việc cử động cánh tay hoặc bàn tay của mình, chúng tôi sẽ “tăng cường” cho tủy sống của họ và kích thích não, cơ bắp để giúp xây dựng lại các kết nối, cung cấp phản hồi cảm giác và thúc đẩy quá trình phục hồi.

Loại liệu pháp điều khiển bằng suy nghĩ này là một yếu tố thay đổi tất cả. Mục tiêu của chúng tôi là một ngày nào đó, công nghệ này sẽ được sử dụng để mang lại khả năng sống đầy đủ, độc lập hơn cho những người bị liệt”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn