MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS Võ Tòng Xuân: "Khoa học phải nghiên cứu những cái xã hội đang cần". Ảnh: Tùng Giang

Nghiên cứu khoa học phải hướng đến ứng dụng thực tế, tránh đề tài cất tủ

Minh Hạnh LDO | 21/12/2023 16:39

Chia sẻ bên lề buổi giao lưu của các chủ nhân giải thưởng Vinfuture 2023, sáng 21.12, Giáo sư Võ Tòng Xuân cùng GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023, cho rằng, khoa học phải nghiên cứu những cái xã hội đang cần và hướng đến ứng dụng thực tế nhiều hơn.

Theo GS Võ Tòng Xuân, có nhiều nghiên cứu khoa học làm xong mang bỏ tủ vừa tốn tiền bạc của Nhà nước và của cá nhân, do đó, nghiên cứu phải được ứng dụng vào thực tế.

Theo khuynh hướng của thế giới, hiện các nhà khoa học đang nghĩ đến những cái mới, cao xa để nghiên cứu.

“Nhưng đối với xã hội đang phát triển như Việt Nam, nhiều đề tài không đưa vào sử dụng được, cực kỳ lãng phí. Tôi cảm kích hội đồng Giải thưởng Vinfuture đã lựa chọn và thấy được giá trị của các nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế”, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cùng GS Gurdev Singh Khush tại buổi giao lưu sáng 21.12. Ảnh: Tùng Giang

Theo GS Võ Tòng Xuân, mỗi nhà khoa học trước khi nghiên cứu vấn đề gì cần phải tìm hiểu xã hội cần gì, khó khăn gì để tìm ra hướng giải quyết. Do đó không có gì bằng học kỹ, học thật mới thấy được và phân tích mổ xẻ những vấn đề cần giải quyết. Khi đã tìm ra giải pháp mới ứng dụng vào thực tế mới có thể mang lại hiệu quả.

GS Võ Tòng Xuân cũng chỉ ra kinh nghiệm từ bản thân ông, khi nghiên cứu về khó khăn của người nông dân, mà nhu cầu chính của người nông dân là cây lúa. Xác định mục tiêu phải đưa năng suất cây lúa cao lên, ông đã đeo đuổi nghiên cứu giống lúa.

Thời điểm đó, giống lúa của Việt Nam thường dài ngày nhưng năng suất và chất lượng không cao, vậy cần phải thay đổi giống lúa có năng suất cao hơn. Để làm được, ông phải học kinh nghiệm của các nước, lựa chọn nghiên cứu những giống mới phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng địa phương để nhân giống và thuyết phục người dân gieo trồng.

"Ban đầu rất khó khăn, nhưng phải thuyết phục và đưa ra những giải pháp. Hơn 50 năm nay, tôi đã đi từ thực tế và đều thành công với gạo năng suất cao, chất lượng thơm ngon và nhiều vụ trong một năm. Người nông dân có đời sống ấm no hơn, lúa gạo của Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên bản đồ thế giới", GS Võ Tòng Xuân nói.

Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn của cây lúa như giá còn cao, khó cạnh tranh do đó cần phải thay đổi cơ chế, chính sách sao cho phù hợp. Cùng đó cần phải thay đổi tư duy thâm canh, không thể chỉ trồng lúa mà còn theo thời tiết và xen canh tôm cá… sẽ mang lại năng suất gấp vài lần trồng lúa đơn thuần.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, hiện kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học còn rất khiêm tốn, do đó, nhiều nhà khoa học gặp khó khăn, nhất là các nhà khoa học trẻ.

“Nhà khoa học phải chứng tỏ năng lực và đề tài của mình, phối hợp cùng người dân đưa sản phẩm nghiên cứu của mình vào thực tế phục vụ đời sống của họ", GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn