MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu tham dự toạ đàm Chuyển đổi số báo chí. Ảnh: Vân Anh

Nguồn lực tài chính là khó khăn trong chuyển đổi số báo chí

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 08/09/2023 08:49

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu của các cơ quan báo chí tại Việt Nam nhưng áp lực về sự phát triển của công nghệ, bảo vệ bản quyền, doanh thu... đã đặt ra cho họ nhiều thách thức.

Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng FPT tổ chức tọa đàm về Chuyển đổi số báo chí ngày 7.9 với sự tham dự của đông đảo đại biểu là đại diện cơ quan quản lý; lãnh đạo các cơ quan báo chí. Tại đây, vấn đề bản quyền báo chí được các đại biểu quan tâm đặc biệt.

Ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TPHCM cho biết, những bài báo của đơn vị khi được đưa lên trực tuyến thì gần như ngay lập tức sẽ có đơn vị khác lấy lại. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc truy cập, doanh thu quảng cáo của các đơn vị báo chí chính thống.

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề cao tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền báo chí.

Ông nhấn mạnh bản quyền báo chí có liên quan đến chuyện độc quyền. Năm 2012, việc thu phí trên báo điện tử đã được đề cập nhưng không thật sự được quan tâm, thậm chí bị "ném đá". Nhưng hiện tại, vấn đề bản quyền báo chí đã được bảo vệ tốt hơn, do đó nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đều có nguồn thu từ việc này.

Ông Lê Quốc Minh cũng nhấn mạnh việc quảng cáo trên báo sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói ngày càng giảm. Do đó, các cơ quan báo chí tại Việt Nam cần nghĩ đến mô hình kinh doanh khác trong tương lai, tăng lượng độc giả trung thành. Việc chạy theo "view" không hẳn là giải pháp bởi nó không tỉ lệ thuận với lượng tiền mang về.

Chia sẻ những khó khăn, thách thức của các cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết sẽ hỗ trợ thiết lập quan hệ hỗ trợ lẫn nhau với các cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số, trong bối cảnh FPT có nguồn lực công nghệ hiện đại.

Về vấn đề bản quyền, ông nhấn mạnh các cơ quan báo chí cần phối hợp giải quyết, để tạo nên sự phát triển lành mạnh. Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt từ những công ty lớn, theo ông việc phát hiện việc vi phạm bản quyền báo chí không quá khó.

Cũng trong buổi toạ đàm tối 7.9, đại diện nhiều cơ quan báo chí đã nêu ra những khó khăn về việc chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Khắc Văn – Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu phải tiến hành trong tất cả các hoạt động của cơ quan, tạo điều kiện để báo tham gia vào hệ sinh thái truyền thông số một cách mạnh mẽ hơn, mở rộng đối tượng công chúng và tạo thêm nguồn thu mới.

Tuy nhiên, cũng như nhiều cơ quan báo chí, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như: Chưa xây dựng được quy chế thực hiện các bước công việc trong quy trình làm báo chung của các ấn phẩm và báo online; các công đoạn của quy trình xuất bản không thể thực hiện song song cùng một lúc, gây nghẽn "cổ chai" ở các khâu: biên tập, duyệt, dàn trang, dò và sửa lỗi; chưa có một hệ phần mềm ứng dụng hỗ trợ tổng thể hoạt động biên tập, xuất bản báo giấy tích hợp với báo điện tử… Ngoài ra, một khó khăn khác là vấn đề kinh phí thực hiện sẽ rất lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cho biết chuyển đổi số báo chí không chỉ là một xu hướng thời thượng mà thực sự đã trở thành một nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống báo chí nước ta, đặc biệt là từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những mục tiêu rất cụ thể.

Theo ông, đặt trong bối cảnh chung của hầu hết cơ quan báo chí là đang chịu suy giảm nghiêm trọng về nguồn thu thì càng thấy rõ công cuộc chuyển đổi số báo chí sẽ còn gặp nhiều khó khăn, bởi đầu tư vào chuyển đổi số trước tiên cần quyết tâm và hiểu biết nhưng cũng không thể thiếu nguồn lực tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn