MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về hoạt động của công ty chip cấy não Neuralink khi được phép thí nghiệm lâm sàng trên người. Ảnh: AFP

Nhiều chuyên gia thần kinh lo ngại về chip cấy não của Elon Musk

Anh Vũ LDO | 05/06/2023 10:41

Việc chip cấy não được chấp nhận thử nghiệm trên người đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng của Neuralink trong việc giám sát một cách có trách nhiệm sự phát triển của công nghệ này.

Công ty chip cấy não của Elon Musk, Neuralink, tuần trước đã nhận được sự chấp thuận theo quy định để có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người.

Nhưng việc quảng bá công nghệ một cách khoa trương của Elon Musk cũng như thành tích lãnh đạo của ông tại các công ty khác và những lo ngại về phúc lợi động vật liên quan đến các thí nghiệm Neuralink đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động của công ty này, theo The Guardian.

Laura Cabrera, một nhà thần kinh học tại Viện Đạo đức Rock của Bang Penn (Mỹ), cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên về quyết định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khi cho phép công ty tiếp tục thử nghiệm lâm sàng".

Bà Cabrera lập luận rằng khả năng lãnh đạo thất thường của Elon Musk tại Twitter và đặc tính công nghệ “di chuyển nhanh” của vị tỉ phú đặt ra câu hỏi về khả năng của Neuralink trong việc được giám sát một cách có trách nhiệm. 

“Liệu ông ấy có coi thiết bị cấy ghép não là thứ không chỉ cần quy định mà còn cần cân nhắc về mặt đạo đức không? Hay ông ấy sẽ coi nó như mọi món đồ khác?”, bà Cabrera chia sẻ.

Neuralink không phải là công ty đầu tiên hoặc duy nhất làm việc trên các thiết bị giao diện não. Trong nhiều thập kỉ, các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đã khám phá việc cấy ghép và sử dụng thiết bị để điều trị các tình trạng liên quan tới não như tê liệt và trầm cảm.

Đã có hàng nghìn người sử dụng các bộ phận giả thần kinh như ốc tai điện tử để hỗ trợ khả năng nghe. Tuy nhiên, những khả năng mà ông Musk đang hứa hẹn với thiết bị Neuralink đã thu hút sự hoài nghi từ các chuyên gia.

Neuralink gia nhập ngành vào năm 2016 và đã thiết kế chip giao diện não-máy tính (BCI) có tên là Link, một con chip máy tính chứa đầy điện cực có thể được khâu vào bề mặt não và kết nối nó với các thiết bị điện tử bên ngoài.

John Donoghue, nhà thần kinh học tại Đại học Brown (Mỹ), người đứng đầu nhóm phát triển giao diện não-máy tính BrainGate, cho biết thiết kế này dường như sử dụng một loại điện cực mới để phục hồi cử động cho những người bị liệt.

Elon Musk đã tuyên bố thiết bị của Neuralink có thể được sử dụng cho nhiều mục đích trị liệu như điều trị mù lòa, tê liệt, trầm cảm.

Nhưng vị tỉ phú cũng nói rằng mục đích cuối cùng của ông là tạo ra một “thiết bị dân số chung” có thể kết nối trực tiếp tâm trí người dùng với siêu máy tính và giúp con người bắt kịp trí tuệ nhân tạo.

Ông đã gợi ý, thiết bị cuối cùng có thể trích xuất và lưu trữ các suy nghĩ, như “một ổ đĩa dự phòng cho bản thể phi vật chất của bạn, linh hồn kỹ thuật số của bạn".

Cho đến nay, Neuralink mới chỉ thử nghiệm chip của mình trên động vật. Một video được Neuralink phát hành vào năm 2021 đã cho thấy một con khỉ đang trò chơi điện tử Pong bằng tâm trí và một video khác từ năm 2022 xuất hiện cho thấy một con khỉ đang gõ máy tính bằng ý nghĩ.

Đây có thể coi là những thành công ban đầu của Neuralink khi vẫn chưa được thử nghiệm lâm sàng trên người.

Sự chấp thuận của FDA đã xóa bỏ rào cản đầu tiên đối với thử nghiệm lâm sàng trên người của công ty, nhưng phạm vi, trọng tâm và thiết kế của nghiên cứu này vẫn chưa rõ ràng.

Các ứng dụng và quy trình phê duyệt công nghệ của FDA không được công khai cho công chúng và là một công ty tư nhân, Neuralink cũng không bắt buộc phải tiết lộ các tương tác pháp lý như vậy cho các nhà đầu tư.

Trang web của Neuralink cho biết, họ đang tìm kiếm những người tham gia với các tình trạng bao gồm tê liệt, mù, điếc hoặc không có khả năng nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn