MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: mic.gov.vn

Những cú chạm nhẹ chuyển dịch cả nền kinh tế

Khánh An LDO | 06/02/2024 13:12

Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số để tạo ra kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế. Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu.

Thanh toán đơn giản bằng một cú chạm

Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai, ra mắt các “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” và “Tuyến phố đi bộ thanh toán không dùng tiền mặt”, như: Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Phước... Thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội - cho biết, trong những năm gần đây, Hà Nội rất quan tâm đến phát triển kinh tế số, xã hội số nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng.

“Để đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế số, thành phố xác định mục tiêu đến năm 2025 là số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20 - 25% hằng năm. Hiện nay, kinh tế số của Hà Nội được đánh giá phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu vào kinh tế số ICT, thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt” - ông Nguyễn Việt Hùng cho hay.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, tại Hà Nội, hệ thống ngân hàng thường xuyên đổi mới công nghệ và nghiệp vụ hệ thống thanh toán liên ngân hàng theo thông lệ quốc tế; nâng cấp phát triển hệ thống thanh toán điện tử.

Các doanh nghiệp hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và các doanh nghiệp thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất trên địa bàn thành phố tổ chức triển khai cung ứng dịch vụ Mobile-Money theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của thành phố.

Ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, trong phát triển kinh tế số và xã hội số nói chung và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, Hà Nội xác định quan điểm “Cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đóng vai trò nòng cốt và người dân tham gia tích cực trong việc phát triển kinh tế số và xã hội số”.

Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực

Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng: “Để phát triển kinh tế số thì chúng ta nên có một hình dung về nó. Kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi: Công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. Kinh tế số đặc trưng bởi giao dịch online, một thế giới ảo, không giấy tờ, không tiền mặt.

Mọi doanh nghiệp đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, công việc mới. Người lao động có kỹ năng số để làm việc. Người dân tự tin và an toàn sử dụng các dịch vụ số. Chính phủ thì cung cấp dịch vụ công online, dễ dùng, an toàn, sử dụng dữ liệu để dịch vụ đáp ứng nhu cầu cá thể hoá của người dân".

Theo Bộ trưởng Hùng, phát triển kinh tế số Việt Nam phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài số.

Về kinh tế số các ngành, các lĩnh vực, hay còn gọi là chuyển đổi số các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Đó là ứng dụng công nghệ số vào các ngành công nghiệp truyền thống để tạo đầu ra mới và đầu ra mới này đóng góp vào kinh tế số.

Về quản trị số, có thể coi đây như là quan hệ sản xuất. Quản trị số để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế số được nhanh, bền vững. Nó là thành phần quan trọng của hiện đại hoá quản trị quốc gia.

Là mô hình quản trị quốc gia mới, sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ công, hệ thống giám sát, ra quyết định dựa trên dữ liệu, nâng cao năng lực thực thi.

“Bộ TTTT đặc biệt coi trọng việc đo lường kinh tế số, không chỉ ở tầm quốc gia mà cả ở mức các địa phương, các ngành, các lĩnh vực, không chỉ hàng năm mà là hàng tháng, hàng quý, không phải bằng tay mà là tự động.

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là mới đối với cả nhân loại. Không ai dám cho mình là người biết tất cả. Học hỏi lẫn nhau vẫn là yếu tố quan trọng nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn