MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những điều cần biết trước khi mua điện thoại cũ

Hạo Thiên LDO | 22/03/2024 07:12

Việc mua điện thoại cũ là cách tuyệt vời để tiết kiệm chi phí và giúp người sử dụng có cơ hội trải nghiệm các dòng máy cao cấp mà không tốn quá nhiều tiền. Tuy nhiên, việc mua điện thoại cũ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi vậy bạn cần nắm rõ những điều dưới đây trước khi quyết định mua điện thoại cũ.

Kiểm tra ngoại hình bên ngoài

Khi xác định mua một chiếc điện thoại cũ, việc đánh giá về bề ngoài là yếu tố cực kỳ quan trọng. Người dùng cần có cái nhìn tổng quan về mặt trước, mặt sau, khung viền và hình thức bên ngoài của điện thoại trước khi "rút hầu bao".

Việc dành thời gian để kiểm tra về hình thức của máy nhằm phát hiện các dấu hiệu như: bóp méo, xước xát hay thậm chí lồi lõm do va đập. Điều này không chỉ giúp đánh giá về thẩm mỹ, mà còn giúp người dùng chọn được một chiếc điện thoại cũ đẹp và đáng tin cậy.

Kiểm tra số IMEI

Cách kiểm tra điện thoại cũ với số IMEI là một phương pháp quan trọng khi mua điện thoại cũ. Từ dãy số này, người dùng có thể xem được nguồn gốc của thiết bị, từ đó xác định xem có phải là sản phẩm chính hãng hay không.

Có nhiều cách để kiểm tra IMEI, trong đó 2 cách đơn giản và thông dụng nhất là kiểm tra qua phần cài đặt hoặc mở ứng dụng quay số trên điện thoại.

Cách 1: Kiểm tra qua phần cài đặt của điện thoại. Ảnh: Hạo Thiên
Cách 2: Mở ứng dụng quay số trên điện thoại và nhập mã #06#. Ảnh: Hạo Thiên

Kiểm tra màn hình cảm ứng

Cách kiểm tra điện thoại cũ đơn giản và hiệu quả là điều chỉnh hình nền của thiết bị thành màu đen hoặc trắng hoàn toàn. Khi đó, nếu thiết bị xuất hiện các vệt trắng hoặc hiện tượng đốm sáng trên màn hình thì đây có thể là dấu hiệu màn hình điện thoại đã gặp lỗi.

Ngoài ra, người dùng có thể nhấn vào một biểu tượng và di chuyển khắp màn hình. Trong trường hợp, biểu tượng dừng lại ở một vị trí cụ thể, có thể điện thoại đã gặp vấn đề về cảm ứng.

Kiểm tra pin

Cách kiểm tra điện thoại cũ đơn giản là đánh giá tốc độ sạc và nhiệt độ của điện thoại qua việc để pin sạc trong khoảng thời gian ngắn từ 10-15 phút. Trường hợp điện thoại nóng lên bất thường hoặc sạc không ổn định, có thể thiết bị không còn hoạt động tốt.

Kiểm tra pin điện thoại là thao tác quan trọng khi quyết định mua máy cũ. Ảnh: Hạo Thiên

Ngoài ra, người dùng có thể bật chế độ Wifi và Bluetooth trong khoảng 15 phút để kiểm tra tính ổn định của các ứng dụng này. Thao tác này giúp đảm bảo chất lượng các kết nối, từ đó cung cấp một trải nghiệm mượt mà và liên tục khi sử dụng điện thoại.

Kiểm tra camera

Đầu tiên, cần kiểm tra ống kính xem có bị trầy xước hay không. Sau đó, bật camera và kiểm tra khả năng điều chỉnh độ sáng, tính năng HDR, lấy nét hay xóa phông... Người dùng cũng có thể chụp vài bức ảnh để đánh giá chất lượng, độ nét và các "điểm mù" trên ảnh. Điều này giúp bảo đảm rằng, khả năng chụp ảnh của thiết bị là đủ mạnh để ghi lại những khoảnh khắc quan trọng khi cần.

Kiểm tra phụ kiện đi kèm

Điều quan trọng tiếp theo là kiểm tra các phụ kiện đi kèm với điện thoại. Ví dụ, hộp đựng (nếu có), cáp sạc, tai nghe... Thao tác gắn tai nghe để kiểm tra chất lượng âm thanh cũng như khả năng tiếp nhận cuộc gọi là vô cùng cần thiết.

Việc mua điện thoại cũ mà thiếu đi các thiết bị đi kèm chính hãng có thể gây ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng cũng như chi phí sau này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn