MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NASA đang đẩy mạnh nghiên cứu cách Mặt trăng hình thành bên cạnh việc xây dựng căn cứ trên vệ tinh tự nhiên của Trái đất. Ảnh: NASA

Những giả thuyết về cách Mặt trăng được hình thành

Anh Vũ LDO | 25/03/2023 09:00

Nguyên nhân khiến vệ tinh của Trái đất ra đời vẫn luôn là một bí ẩn. Cạnh đó, đã có nhiều giả thuyết khác nhau về sự hình thành Mặt trăng trong những năm qua. 

Lý thuyết tác động khổng lồ

Theo Space.com, lý thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất về sự hình thành mặt trăng là lý thuyết tác động khổng lồ. Nó đề xuất rằng Mặt trăng được hình thành do sự va chạm giữa Trái đất và một hành tinh nhỏ tên là Theia. Các mảnh vỡ được cho là đã kết tụ lại với nhau trên quỹ đạo quanh Trái đất và hình thành nên Mặt trăng.

Theia, thiên thể có kích thước bằng sao Hỏa, đã va chạm với Trái đất và ném những mảnh vỏ hành tinh trẻ đã bốc hơi vào không gian. Cách hình thành mặt trăng này sẽ giải thích tại sao Mặt trăng chủ yếu được tạo thành từ các nguyên tố nhẹ hơn, khiến nó ít “đậm đặc” hơn Trái đất.

Theo NASA, năng lượng sinh ra trong vụ va chạm giữa Trái đất trẻ và Theia lớn hơn 100 triệu lần so với sự kiện xảy ra sau đó được cho là đã quét sạch loài khủng long.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận lý thuyết này. Hầu hết các mô hình cho rằng hơn 60% Mặt trăng được tạo thành từ vật liệu từ Theia, nhưng các mẫu đá từ sứ mệnh Apollo lại chỉ ra điều ngược lại.

Lý thuyết bồi tụ

Ý tưởng này đề xuất rằng Mặt trăng và Trái đất có nguồn gốc cùng lúc từ một đĩa bồi tụ nguyên thủy, theo Britannica. Đĩa bồi tụ là một dòng khí, plasma, bụi hoặc các hạt giống như đĩa bao quanh một vật thể thiên văn mà cuối cùng sẽ sụp đổ vào bên trong. Lý thuyết này nhằm giải thích sự tương đồng về địa chất giữa Trái đất và Mặt trăng.

Khí của đám mây ngưng tụ thành vật chất và mảnh vụn, được hút vào và gắn vào một trong những thực thể này. Trái đất đã thu hút thêm vật chất, làm tăng khối lượng của nó. Khối lượng của Trái đất cho phép nó có được lực hấp dẫn mạnh hơn và Mặt trăng bắt đầu quay quanh Trái đất. Tuy nhiên, những người phản đối chỉ ra rằng khái niệm này không giải thích được động lượng góc hiện tại của Mặt trăng xung quanh Trái đất.

Lý thuyết phân hạch

Lời giải thích cuối cùng cho sự tồn tại của Mặt trăng là thuyết phân hạch, cho rằng Mặt trăng từng là một phần của Trái đất. Bằng cách nào đó, nó đã tách ra. Theo một bài báo trên StarChild, Mặt trăng có thể đến từ lưu vực Thái Bình Dương hiện nay.

Các nhà khoa học cho rằng lý thuyết này giải thích sự tương đồng trong thành phần địa chất của lớp phủ Trái đất và bề mặt Mặt trăng. Nhưng hiện vẫn không có bằng chứng về điều này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn