MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh vừa bật đèn xanh cho Microsoft mua lại nhà sản xuất Call Of Duty Activision Blizzard. Ảnh minh họa. Ảnh: AFP

Những ông lớn đang cạnh tranh ngành trò chơi điện tử 300 tỉ USD

Thanh Hà LDO | 14/10/2023 12:00

Các công ty trò chơi điện tử toàn cầu đang cạnh tranh để giành lấy thị phần trong ngành trị giá 300 tỉ USD. Mới đây nhất, ngày 13.10, cơ quan quản lý của Anh vừa bật đèn xanh cho đề xuất mua lại nhà sản xuất Call Of Duty Activision Blizzard của Microsoft, mở đường cho thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử ngành trò chơi điện tử.

Tencent

Tencent có trụ sở tại Trung Quốc là công ty lớn nhất về doanh thu trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Tencent thống trị thị trường châu Á và đầu tư vào các studio trò chơi trên toàn thế giới.

Công ty Trung Quốc sở hữu Riot Games - nhà sản xuất trò chơi đình đám League Of Legends và có cổ phần trong ngôi sao game của Pháp Ubisoft.

Tencent cũng mua lại studio Phần Lan Supercell (Clash Of Clans, Clash Royale, Brawl Stars) vào năm 2016 với giá 8,6 tỉ USD - một mức giá kỷ lục vào thời điểm đó.

Sony

Tập đoàn điện tử tiêu dùng khổng lồ của Nhật Bản Sony đã bán được hơn 500 triệu máy chơi game PlayStation kể từ năm 1994.

Thông qua một công ty con, Sony kiểm soát hàng loạt studio - bao gồm Insomniac và Housemarque - và đã phát triển những game độc quyền như Spider Man cho các thiết bị của hãng.

Sony cũng củng cố danh mục đầu tư vào tháng 1.2022 với thương vụ mua lại Bungie - nhà sản xuất Halo và Destiny - trị giá 3,6 tỉ USD dù Halo vẫn thuộc sở hữu của Microsoft.

Tháng 4.2022, Sony cũng đầu tư 2 tỉ USD vào Epic Games - công ty đứng sau Fortnite.

Microsoft

Gã khổng lồ Mỹ đã thực hiện thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực trò chơi điện tử vào tháng 1.2022 khi đề nghị mua Activision Blizzard với giá 69 tỉ USD.

Thỏa thuận này giúp gã khổng lồ phần mềm có được những đầu mục game lớn như Call Of Duty, World Of Warcraft và “Diablo”.

Microsoft sở hữu thương hiệu game Xbox và đã nắm quyền kiểm soát các trò chơi như Minecraft, Elder Scrolls và Fallout nhờ các thương vụ mua lại trước đó.

Hiện Microsoft đang đặt mục tiêu trở thành “Netflix của trò chơi điện tử” với nền tảng trực tuyến Game Pass cho phép người dùng tải trò chơi hoặc chơi trực tiếp qua đám mây.

Nintendo

Trong bối cảnh lĩnh vực trò chơi điện tử phụ thuộc vào các loạt trò chơi tự thiết kế như Mario, Zelda hay Pokemon, Nintendo nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh khi tránh xa cơn sốt mua lại trong lĩnh vực này.

Ngoài các trò chơi nội bộ của mình, Nintendo tập trung chủ yếu vào bảng điều khiển trò chơi Switch. Hãng đã bán được hơn 100 triệu máy Switch kể từ khi phát hành tháng 3.2017.

Các hãng độc lập

Một số đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực trò chơi điện tử hiện vẫn ngoài tầm tay của những gã khổng lồ nhưng có thể trở thành mục tiêu trong tương lai gần, AFP chỉ ra.

Nhà sản xuất Take-Two của Mỹ, chủ sở hữu các trò chơi phổ biến gồm Grand Theft Auto, NBA 2K và Red Dead Redemption, là một trong số đó.

Chính Take-Two cũng tham gia vào cuộc đua mua lại khi chi 12,7 tỉ USD để mua lại nhà phát triển trò chơi di động Zynga - đơn vị tạo ra trò chơi mô phỏng nông trại FarmVille.

Sega - đơn vị tạo ra thương hiệu Sonic - cũng tham gia mua lại vào tuần trước khi bỏ ra hơn 770 triệu USD cho nhà sản xuất Angry Birds Rovio.

Các công ty độc lập lớn khác trong lĩnh vực trò chơi điện tử bao gồm Electronic Arts và Ubisoft - đều được định giá hàng tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn