MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sử dụng máy phun thuốc sâu do anh Hát chế tạo trên đồng ruộng. Ảnh: TIẾN NGUYỄN

Nông cụ “Made in Ông Hát”

TIẾN NGUYỄN LDO | 01/05/2018 12:12
“Sáng tạo ra máy móc phục vụ bà con nông dân là sự… ngẫu nhiên, là cái duyên với nghề, tình yêu với quê hương và sự đồng cảm với những người quanh năm chân lấm, tay bùn. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu ra nhiều loại máy nông cụ hơn nữa để bà con mình đỡ khổ”.

Khởi đầu từ rô bốt đặt hạt rau

Con đường nhỏ dẫn vào nhà anh Hát, hai bên ruộng đồng “thẳng cánh cò bay”. Về nơi đây mới thấy, công lao nghiên cứu, chế tạo máy nông nghiệp của anh tạo nên luồng gió mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp quê nhà!

Nhâm nhi chén chè nóng, anh Hát xúc động chia sẻ những kỷ niệm ngày đầu nghiên cứu, tạo ra chiếc máy nông nghiệp đầu tiên.

Sau thời gian đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi thất bại, gia đình anh gánh trên vai số nợ khổng lồ thời đó - trên 3 tỉ đồng. Thời gian ấy, anh như “đứng đống lửa”, chạy vạy hết chỗ nọ, chỗ kia cũng không đủ tiền trả nợ. Năm 2010, anh quyết định theo một DN xuất khẩu lao động sang Israel làm thuê. Cũng từ nơi đây, anh bén duyên với nghiệp nghiên cứu, chế tạo máy nông cụ.

Ban đầu, những ý tưởng sáng chế máy nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp bên nước người đã giúp anh nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy rải phân, máy cắt rau, máy thái hành, được ông chủ nơi đây hết sức ủng hộ, khen ngợi. Tiếp đó là hàng loạt ý tưởng sáng chế máy nông cụ khác liên tiếp hình thành, mang tính ứng dụng thực tiễn cao.

Ở xứ người, tuy được trọng dụng, nhưng anh luôn đau đáu tâm trạng, nhiều câu hỏi được đặt ra mà không có lời giải đáp: Mình làm thuê mà vẫn có thể sáng chế được máy nông nghiệp, vậy tại sao mình không về tự làm cho mình, sao không về quê tự làm và phục vụ cho bà con quê mình…

Để giải đáp những chất chứa trong lòng, năm 2011, anh quyết định về nước, mở xưởng cơ khí chế tạo máy nông cụ. Ông chủ bên Israel nhất quyết không đồng ý cho anh về nước, nên anh phải nói dối gia đình có người thân ốm mới có thể về. Sau đó không lâu, vì mến mộ tài năng của anh, đích thân ông chủ trang trại bên Israel đã tìm về quê nhà, mời anh tiếp tục sang làm việc, trả tiền lương hậu hĩnh hơn, nhưng anh vẫn một mực từ chối...

Về ý tưởng sáng tạo đầu tiên trên quê hương, anh Hát chia sẻ: “Vì đã từng làm trang trại nên tôi biết người nông dân cần những loại máy gì để thay thế sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó, ý tưởng đầu tiên trong đầu tôi là chế tạo ra một rô bốt đặt hạt rau, phục vụ cho việc gieo rau giống, sử dụng trong các trang trại trồng rau ăn lá.

Nhưng, thật tiếc, do không được học hành bài bản nên tôi không hiểu được nguyên lý hoạt động của các loại máy cũng như công cụ chế tạo ra chúng. Chính vì thế, khi bắt tay vào việc, tôi thấy rất hoang mang. Tuy nhiên, với sự say mê tìm tòi, sáng tạo, sau gần 2 năm (2012-2014), cuối cùng chiếc máy gieo hạt giống cũng hoàn thành.

Ngày đầu đưa ra thử nghiệm, chiếc máy chạy chưa ổn định như mong muốn, máy hút được hạt nhưng lại không nhả ra được, tôi cảm thấy rất lo lắng. Lúc này, áp lực với tôi rất lớn, áp lực về kinh tế, áp lực gia đình, áp lực của sự kỳ vọng. Nhưng tôi nhất quyết không bỏ cuộc, tiếp tục mày mò, nghiên cứu, chỉnh sửa.

Đến tháng 8.2014, chiếc máy hoàn thành, hoạt động ổn định, được đưa ra thị trường và được người dân vui mừng đón nhận. Loạt máy đầu tay, tôi bán với giá 15 triệu đồng/máy, sản xuất được chiếc máy nào là có người đặt hàng máy đó.

Đến nay qua nhiều lần cải tiến, máy được bán với giá 35 triệu đồng/ máy. Đến thời điểm hiện tại, có trên 200 chiếc máy gieo hạt giống được bán ra thị trường trong nước và quốc tế, trong đó có một số nước như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ và các nước ASEAN…

Nghĩ đến công sức mình bỏ ra hàng năm trời, tôi đã nhảy lên vì sung sướng, đầu óc thoải mái, trong người như cởi bỏ hết những áp lực, băn khoăn, trăn trở, quả đúng như người xưa nói “có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Chiếc máy đầu tiên thành công đã kích thích anh Hát nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm mới. Nhiều ý tưởng mới hình thành, đơn đặt hàng cũng nhiều lên, kinh nghiệm ngày càng dày dặn hơn.

Anh Hát tiếp tục thành công khi cho ra đời chiếc máy làm đất, máy lên luống, máy đặt hạt phục vụ cho việc gieo trồng các loại hạt như ngô, đậu, đỗ; máy phun thuốc sâu dành cho diện tích gieo trồng lớn; thiết bị rải phân, thiết bị chế biến phân bón, thiết bị chế biến nông sản, thiết bị băm nghiền gỗ, thiết bị cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm…


Ngày đêm nghiên cứu, cải tiến, thực hành

Những chiếc máy do anh Hát sáng tạo ra có tính ứng dụng thực tiễn rất cao, giá thành phù hợp, chất lượng sản phẩm tốt, dễ sử dụng, phù hợp với mọi thời tiết, vùng miền, cho hiệu quả tức thời nên được bà con đánh giá rất cao.

Sau khi đưa máy ra thị trường, anh Hát luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ người tiêu dùng để tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình như chiếc máy đặt hạt. Ban đầu, chiếc máy này chỉ làm chức năng đặt hạt bình thường, nhưng khi được người tiêu dùng đề xuất nghiên cứu, cải tiến thêm chức năng soi rạch đất, rồi mới đặt hạt, khi đó hạt được gieo sẽ đều hơn, độ nảy mầm cao hơn. Anh Hát ngày đêm nghiên cứu, cải tiến, thực hành. Sau gần 2 tháng, chiếc máy đã hoàn thiện, trở nên thông minh hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Sáng tạo không ngừng nghỉ liên tục trong 3 năm (2012 đến 2015), gia đình anh Hát trả được hết số tiền hơn 3 tỉ đồng thua lỗ khi làm trang trại trước đó. Có thêm chút vốn giắt lưng, anh quyết định đầu tư thêm máy móc, mở rộng xưởng sản xuất chế tạo máy trên quê hương mình.

Năm 2016, một nhà xưởng khang trang được mở ở gần nhà, hoạt động tương đối ổn định, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 4 công nhân và 2 thành viên trong gia đình. Các sản phẩm độc quyền do xưởng của anh chế tạo đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đơn đặt hàng liên tục đến, sản xuất không kịp nhu cầu. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lời trên 1 tỉ đồng, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Anh Phạm Văn Hát (SN 1972, thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) được bà con nông dân trìu mến gọi là "tiến sĩ máy nông nghiệp" đã sáng chế trên 30 loại máy nông cụ, máy chế biến nông sản. Anh đã được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng 3; Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng NN&PTNT và các bộ ngành liên quan tặng bằng khen và 5 năm liền được bình chọn là "Nông dân xuất sắc".

“Sử dụng máy đặt hạt do anh Hát sáng tạo, gia đình tôi giảm rất nhiều chi phí như công lao động, chi phí hạt giống, năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Đặc biệt, chiếc máy này sản xuất hoàn toàn bằng cơ học nên ít khi hỏng hóc, hoạt động ổn định, ít tốn nhiên liệu và hiệu quả cao”.

(Nông dân Nguyễn Văn Xế, huyện Gia Lộc, Hải Dương)

“Nếu người nông dân đeo bình phun thuốc sâu một ngày gắng sức cũng chỉ được 1 mẫu ruộng, nhưng với sáng chế của anh Hát, một ngày có thể phun nhiều ha ruộng mà không tốn nhiều công sức, ít nguy hại, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu và rất đều trên toàn mặt ruộng”.

(Nông dân Ngô Văn Trị, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn