MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phía sau tăng trưởng lợi nhuận 21% của VinaPhone

Thế Lâm LDO | 10/02/2018 07:30
Nguồn thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống là thoại và tin nhắn SMS suy giảm, tuy nhiên, năm 2017, Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VinaPhone) vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao - 21%.

“Quả ngọt” từ sự sáng tạo

Báo cáo của VinaPhone cho biết, năm 2017, VinaPhone đã hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật nhất là lợi nhuận của Tổng công ty đã tăng mạnh, với mức tăng 21% so với thực hiện năm 2016. Doanh thu viễn thông công nghệ thông tin cũng tăng khá, đạt 7,1%. Năng suất lao động tăng 8%, thu nhập bình quân tăng 6%.

Năm qua, nhà mạng này cũng phát triển được lượng thuê bao ấn tượng, với tổng số thuê bao điện thoại đạt trên 34 triệu thuê bao, trong đó có 31,1 triệu thuê bao di động, tăng 21% so với năm 2016; thuê bao FiberVNN đạt 4,1 triệu thuê bao, tăng 52% so với năm 2016…

Năm 2017 đánh dấu nhiều dịch vụ sáng tạo và đi đầu của VinaPhone. Đặc biệt là việc sáng tạo ra gói cước Gia Đình đã thu hút hàng triệu thuê bao đăng ký sử dụng. Đây cũng là gói cước đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tích hợp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet tốc độ cao, FiberVNN, di động VinaPhone, truyền hình MyTV và dịch vụ data.

 

Theo công bố của Brand Finance, Tập đoàn VNPT (tập đoàn mẹ của VinaPhone) và VinaPhone nằm trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam 2017: VNPT đứng thứ 3 với giá trị 726 triệu USD, VinaPhone đứng thứ 8 với giá trị 314 triệu USD.

Và từ đổi mới mô hình quản trị

Năm 2017 là năm thứ hai Tổng công ty triển khai ứng dụng công cụ quản trị BSC  và đánh giá BSC/KPI, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tại Tổng công ty cũng như các đơn vị, đồng thời giúp Tổng công ty đánh giá toàn diện, công bằng, minh bạch kết quả hoạt động của các đơn vị.

Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông - ông Tô Dũng Thái - cho biết, bên cạnh việc áp dụng mô hình quản trị trên, năm 2017, VinaPhone còn đẩy mạnh đổi mới công tác điều hành kinh doanh, cụ thể là thay đổi phương thức bán hàng trên toàn bộ hệ thống kênh bán hàng để phù hợp với chính sách quản lý của Nhà nước, qua đó giúp nhà mạng tiếp cận khách hàng cũng như khách hàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ một cách thuận tiện nhất.

 

VinaPhone cũng khá “nhạy bén” trong việc triển khai quy chuẩn mô hình cộng tác viên phát triển thuê bao trong đó quy hoạch quy mô kênh cộng tác viên bán hàng là 1 CTV/phường xã để huy động tối đa từ nguồn lực xã hội, nhờ đó tỷ trọng phát triển thuê bao qua kênh cộng tác viên chiếm 35% trong tổng số thuê bao phát triển mới.

Ông Tô Dũng Thái cho biết, VinaPhone xác định rõ bán hàng online trong những năm tới sẽ là kênh chính và là xu thế tất yếu trong kinh doanh nên Tổng công ty đã hoàn thành triển khai kênh bán hàng online, khai trương tháng 11.2017, tạo ra phương thức bán hàng mới, tính đến ngày 26.11 đã phát triển được gần 3.000 cộng tác viên online.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn