MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phú Yên: Cần đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế địa phương

Hoài Luân LDO | 21/01/2023 13:18

Tính đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh Phú Yên đang ở mức thấp so với cả nước. Trước tình hình trên, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã đề nghị toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh cùng chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần tích cực trong việc nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị. Đến nay, Phú Yên đã hoàn thành 4/12 mục tiêu và 1/1 nhiệm vụ được giao.

Phú Yên ra mắt trang thông tin điện tử Chuyển sổi số tỉnh. Ảnh: Hoài Luân 

Tuy nhiên nhìn chung, ứng dụng CNTT của tỉnh Phú Yên hiện nay đang ở mức trung bình thấp so với cả nước; cơ sở dữ liệu nhỏ, kết nối liên thông chưa đầy đủ, chưa đồng bộ giữa các hệ thống thông tin. Đầu tư hạ tầng CNTT chưa đáp ứng yêu cầu; doanh nghiệp công nghệ số còn ít, quy mô nhỏ, hoạt động chuyển đổi số còn chậm.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nhìn nhận, để chuyển đổi số thực hiện thành công, trước tiên là phải chuyển đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh về vai trò của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

 Phú Yên tổ chức lễ công bố và giới thiệu nền tảng số phục vụ doanh nghiệp (10.10). Ảnh: Hoài Luân

"Mỗi cơ quan, tổ chức và cả hệ thống chính trị cần tận dụng cơ hội tối đa để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương là cơ hội phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh" - ông Phạm Đại Dương đề nghị.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp, hiệu lực quản lý chính quyền các cấp. Ưu tiên chuyển đổi số trên các lĩnh vực: Quản lý hành chính, giáo dục, y tế, du lịch, nông nghiệp, phát triển kinh tế biển, giao thông vận tải...

Về mục tiêu trong các năm tới, ông Phạm Đại Dương cho biết, phấn đấu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh. Đến năm 2030, Phú Yên trở thành địa phương thuộc nhóm trung bình khá trong cả nước về chuyển đổi số.

Cụ thể, đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% cấp huyện và 60% cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP, tối thiểu 50% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 50% các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số. Hình thành 100 doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2023, hồ sơ công việc cấp tỉnh, huyện xã đều tăng thêm 10% so với năm 2025 về xử lý hồ sơ trên môi trường mạng.

Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Kinh tế số chiếm 15-20% GRDP; sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số tăng thêm 30% sao với năm 2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn