MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làm cộng tác viên bán hàng, nhiều người mất hàng tỉ đồng. Ảnh: Hữu Chánh

Quay cuồng trong vòng xoáy lừa đảo cộng tác viên online

Khánh An LDO | 06/11/2023 07:21

Mong muốn có “việc nhẹ lương cao”, nhiều người đã đăng ký làm cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ online. Từ đây, họ bị cuốn vào vòng xoáy lừa đảo và bị chiếm đoạt từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Cạm bẫy cộng tác viên online

Cuối tháng 10.2023, chị N (sinh năm 1994, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) đăng ký tham gia làm nhiệm vụ online để nhận tiền hoa hồng. Sau khi chuyển khoản gần 100 triệu đồng để làm nhiệm vụ, chị phát hiện mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Anh H (sinh năm 1999, trú tại Long Biên, Hà Nội) cũng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Hồi tháng 7.2023, anh H nhận được lời mời làm cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ sẽ được hưởng tiền hoa hồng cho một sàn thương mại điện tử.

Ban đầu, anh H đã được hưởng tiền của 2 đơn. Tuy nhiên, khi làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng trị giá hơn 1,1 tỉ đồng thì anh H được yêu cầu thanh toán thêm một đơn hàng 700 triệu đồng mới được hoàn tiền. Phát hiện mình bị lừa đảo, anh H đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Thời gian qua, nắm bắt được tâm lý của nhiều người muốn có công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, các nhóm đối tượng đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo thông qua việc tuyển cộng tác viên làm việc online với tỉ lệ hoa hồng cao. Với các đơn hàng giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng đầy đủ. Sau đó, với những đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền mà các nạn nhân ứng ra để nhận sản phẩm của các đơn hàng.

Lật tẩy những chiêu thức lừa đảo

Anh Trần Đại Chí - kỹ sư bảo mật của Amazon Web Service, thành viên dự án phi lợi nhuận chống lừa đảo - cho biết, hiện nay, hình thức lừa đảo phổ biến nhất là lừa tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao" - giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

“Công thức” chung của hình thức lừa đảo này là đối tượng sẽ yêu cầu người tham gia tạm ứng tiền, sau đó chiếm đoạt số tiền này. Theo anh Chí, nếu nhận được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc, người dân cần cảnh giác. Bởi kẻ lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm đoạt số tiền mà không cung cấp công việc thực tế.

“Hãy luôn cảnh giác và không chia sẻ thông tin nhạy cảm với bất kỳ ai mà bạn không tin tưởng hoặc không biết rõ” - kỹ sư bảo mật của Amazon Web Service đưa ra lời khuyên.

Người dân cũng có thể dễ dàng nhận biết hình thức lừa đảo này thông qua việc kiểm tra xem trang thanh toán đơn hàng có đủ các biểu tượng bảo mật như khóa SSL hay "https://" trước URL không. Nếu trang không có các biểu tượng này, đó có thể là dấu hiệu của một trang web giả mạo và thông tin của người tham gia có thể bị đánh cắp.

Kiểm tra thông tin về công ty hoặc người tuyển dụng cũng là một bước quan trọng kiểm tra tính xác tín. Nếu không có thông tin rõ ràng hoặc không có thông tin liên hệ, đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo.

Ngoài ra, cần trao đổi với người dùng khác và tìm hiểu về kinh nghiệm của họ với chương trình tuyển cộng tác viên. Nếu có nhiều phản hồi tiêu cực hãy cân nhắc.

Công an TP Hà Nội cho biết, đang điều tra, xác minh một vụ lừa đảo khi làm cộng tác viên online. Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Thời gian qua, Bộ Công an và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng liên tiếp đưa ra các cảnh báo về tình trạng lừa đảo sử dụng chiêu thức tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao". Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các trang web, Facebook giả mạo các sàn thương mại điện tử tuyển nhân viên làm cộng tác viên và gửi thông tin cá nhân kết bạn Zalo, Telegram để tư vấn bỏ tiền ra mua hàng hưởng hoa hồng với lãi suất cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn