MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam có quy mô thị trường Shoppertainment lớn tại châu Á. Ảnh: Nguyễn Đăng

Quy mô thị trường Shoppertainment Việt Nam lên đến 88 tỉ USD năm 2025

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 07/03/2024 19:38

Theo dự báo của Accenture, quy mô thị trường Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) sẽ lên đến 1.100 tỉ USD năm 2025, trong đó Việt Nam chiếm 8%, tức 88 tỉ USD.

Tiềm năng của Shoppertaiment và xu hướng tiêu dùng mới

Shoppertainment là một thuật ngữ được tạo ra bằng việc kết hợp giữa hai từ “shopping” (mua sắm) và “entertainment” (giải trí). Shoppertaiment là thương mại được thúc đẩy bởi nội dung với mục đích trước hết là giải trí, giúp người tiêu dùng hoà mình vào trải nghiệm mua sắm.

“Thông thường người tiêu dùng đến với Shoppertainment nhằm mong muốn được trải nghiệm độc đáo. Theo nghiên cứu, quy mô của thị trường này tại APAC năm 2025 là 1.100 tỉ USD, tăng gấp đôi so với năm 2023, trong đó Việt Nam là thị trường trọng điểm, chiếm tỉ trọng 8%. Đây là cơ hội lớn với các nhà tiếp thị để tiếp cận người tiêu dùng thông qua xu hướng Shoppertainment”, bà Naree Nguyễn - Giám đốc Kinh doanh Khối đại lý, TikTok Việt Nam - chia sẻ bên lề Tọa đàm về xu hướng Shoppertainment 2024 tổ chức hôm 7.3 tại TPHCM.

Cũng theo bà Naree Nguyễn dẫn số liệu từ Accenture, xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác ở APAC đã thay đổi. Họ cân nhắc kỹ, muốn đưa ra quyết định mua hàng dựa trên sự hiểu biết và tự tin, không còn mua sắm bốc đồng như trước.

Người tiêu dùng Việt Nam quan tâm nhiều đến chất lượng, giá trị sản phẩm hơn là giá cả hoặc các chương trình khuyến mãi. Ảnh: Chụp màn hình

Các chuyên gia của Accenture cũng chỉ ra 2 kiểu hình thái tiêu dùng riêng biệt ở APAC gồm nhóm tiêu dùng dựa trên đánh giá của cộng đồng (social-oriented) và nhóm dựa trên đặc tính sản phẩm (product-oriented).

Tại các thị trường như Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc, người tiêu dùng có thiên hướng nghiêng về các đánh giá sản phẩm từ cộng đồng. Người dùng tại các quốc gia này tin tưởng vào nội dung giới thiệu sản phẩm - dịch vụ từ cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, ít nhạy cảm với quảng cáo - thông tin ưu đãi hơn và ít dựa vào trực giác khi mua hàng.

Báo cáo cũng cho thấy, số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống.

Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng tại Đông Nam Á trong 1-2 năm, khi 81% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay thậm chí tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm - giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.

2 vấn đề thách thức

TS Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - nhấn mạnh, thời điểm này, chuyện bùng nổ xu hướng Shoppertaiment không có gì lạ, do đó vấn đề quan trọng hơn là những thách thức mà cơ các cơ quan quản lí phải đối mặt.

“Nhìn từ góc độ quản lí nhà nước và chính sách, 2 thách thức lớn nhất phải đối mặt trong xu hướng Shoppertainment là chuyện hàng giả, hàng nhái và việc không thu được thuế.

Không thể có chuyện người bán hàng trên các phiên livestream bán hàng lại không đóng thuế, trong khi người bán ở các shop lại đóng thuế. Vì thế, chúng ta phải công bằng trong chuyện này” - ông nói.

Cũng theo ông Vũ, một số vấn đề khác mà thị trường Shoppertaiment phải đối mặt, trong đó có TPHCM là việc phát triển hệ thống logicstic và fintech (công nghệ tài chính).

“Định hình logicstic của những khu đô thị lớn như TPHCM phải định hình logicstic của thương mại điện tử dựa trên những xu hướng mới, không thể nào xây dựng một kho hàng quá xa, làm sao để bán hàng. Thứ 2 là về fintech, do đó các đơn vị phải tính toán các gói trả trước, trả sau, trả chậm, đổi hàng… tức là phải có cách" - Vũ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn