MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Robot điều khiển bằng AI quét tuyến giáp khi bệnh nhân đang ngồi và điều chỉnh vị trí của đầu dò bằng trí tuệ nhân tạo. Ảnh: SCUT

Robot siêu âm AI cho kết quả gần giống với tay nghề bác sĩ

Hải Nguyễn LDO | 24/05/2024 06:37

Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và Canada đã sử dụng robot siêu âm AI tuyến giáp tự động hoàn toàn và cho kết quả “gần giống” với tay nghề bác sĩ.

Nhóm nghiên cứu, gồm các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Trung Quốc (SCUT) và Đại học Carleton ở Ontario (Canada), đã sử dụng kỹ thuật nhận dạng cơ thể người và các kỹ thuật tiên tiến khác trong kỹ thuật siêu âm để phát triển hệ thống siêu âm robot tự động hoàn toàn được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (FARUS).

Nhiệm vụ của robot sử dụng AI để kiểm tra và xác định các u ác tính tuyến giáp của bệnh nhân.

“Kết quả siêu âm trên những người tham gia thử nghiệm cho thấy hệ thống có thể thực hiện siêu âm chất lượng cao, gần giống với quét thủ công mà các bác sĩ lâm sàng thực hiện, cũng như phát hiện và xác định các đặc điểm bất thường tại tuyến giáp”, ông Du Quảng Long, tác giả nghiên cứu và giáo sư tại SCUT cho biết.

Ông Long cũng chia sẻ: “Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là nghiên cứu đầu tiên trên người về quét siêu âm tuyến giáp hoàn toàn tự động bằng robot. Hệ thống này có thể "quét độc lập khu vực tuyến giáp và xác định các nốt ác tính mà không cần sự trợ giúp của con người”.

Đồng thời, FARUS có thể cung cấp dữ liệu đặc trưng để chẩn đoán và điều trị”, ông Long nói trên trang tin Science Times ngày 23.5.

Siêu âm tuyến giáp là một kỹ thuật khó đối với các bác sĩ siêu âm và bác sĩ X-quang, đồng thời việc chẩn đoán có thể khác nhau rất nhiều giữa các bác sĩ.

Thời gian qua, nhiều hệ thống robot siêu âm tự động khác nhau cũng đã được đưa vào sử dụng để giải bài toán này nhưng các nhà nghiên cứu vẫn gặp nhiều thách thức. Đặc biệt về mặt lâm sàng, hệ thống siêu âm bằng robot đòi hỏi khả năng nhận diện chính xác, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Toàn bộ quá trình dùng robot AI quét, bao gồm tìm kiếm tuyến giáp, tối ưu hóa chất lượng hình ảnh và phát hiện các nốt nghi ngờ đã được thực hiện một cách tự động hoàn toàn.

Sau đó, kết quả do robot thực hiện sẽ được so sánh với kết quả của bác sĩ siêu âm trên cùng một bệnh nhân. Kết quả cho thấy, hệ thống siêu âm bằng robot đã xác định được những bệnh nhân cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, tại một số vùng siêu âm khó, robot có thể bỏ sót hoặc cho kết quả dương tính giả.

Các nhà nghiên cứu cho biết, kỹ thuật sàng lọc không xâm lấn, nhanh chóng và chính xác này có thể đưa ra cảnh báo sớm về sự phát triển bất thường của các nốt tuyến giáp. Từ đó các bác sĩ có thể đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn