MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sáng chế thiết bị quan trắc môi trường sử dụng pin năng lượng mặt trời

Tạ Quang LDO | 21/04/2023 08:24

Cần Thơ - Chỉ với hơn 1 triệu đồng, nhóm gồm 4 sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ đã sáng tạo ra thiết bị đo độ ẩm đất sử dụng pin năng lượng mặt trời.

Đó là thành quả của nhóm 4 sinh viên: Trần Quốc Duy, Trần Ngọc Khánh Dung (Khoa Tự động hóa, Trường Bách khoa), Trần Nguyễn Hoàng Long (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên) và Nguyễn Lê Hồng Nhung (Trường Nông nghiệp).

Nhóm 4 bạn sáng chế thiết bị quan trắc môi trường sử dụng pin năng lượng mặt trời. Ảnh: NVCC

“Nhận thấy quá trình của các kỹ sư nông nghiệp muốn đo độ ẩm đất phải lặn lội ra đồng, ruộng để lấy mẫu, sau đó đem về, sấy ẩm độ cho đất,… mất rất nhiều thời gian nên nhóm em có ý tưởng sáng chế thiết bị hỗ trợ quan trắc tiện lợi, mất ít thời gian, giúp nông dân có thể tự mình kiểm tra độ ẩm đất trồng của mình dễ dàng”, Trần Quốc Duy chia sẻ.

Quốc Duy thông tin thêm, để sáng chế ra thiết bị đó chỉ mất hơn 1 triệu đồng do các thiết bị đều có sẵn và dễ tìm thấy. Và thiết bị này thấp hơn rất nhiều so với chiếc máy cùng chức năng nhập khẩu từ nước ngoài.

Nguyễn Hoàng Long cho biết, thiết bị quan trắc môi trường đất sử dụng pin năng lượng mặt trời để cung cấp năng lượng cho các cảm biến hoạt động. Sử dụng đầu đo cắm vào đất, các cảm biến sau đó sẽ ghi lại dữ liệu độ ẩm của đất rồi gửi đến bộ trung tâm.

Từ đó, gửi lên ứng dụng và trang web rồi lưu trữ trên đó để người dùng theo dõi để kịp thời tăng hoặc giảm lượng nước tưới phù hợp.

Sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để tự làm ra cảm biến, cải tiến thiết bị để có thể đo được nhiều thông số hơn như độ mặn, pH…    

Theo Quốc Duy, thiết bị có thể dễ dàng lắp đặt trên ruộng lúa của người dân, và chiếc máy ra đời mang sứ mệnh giúp ích cho người dân có thể sử dụng biết được độ ẩm đất để quản lý tốt hơn. Từ đó đem lại hiệu quả canh tác, nâng suất cao.

Còn theo Nguyễn Lê Hồng Nhung, nhóm sẽ cố gắng hoàn thiện hệ thống quan trắc độ ẩm một cách tốt nhất để giúp nông dân ĐBSCL, cũng như nông dân vùng hạ lưu sông Mê Kông nắm được độ ẩm của đất và từ đó có thể quản lý đất đai tốt hơn.

Thiết bị quan trắc môi trường. Ảnh: NVCC

Tiễn sĩ Nguyễn Văn Khanh - Khoa tự động hóa, Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ - thông tin, điểm sáng tạo nhất của nhóm là các bạn ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống. Điều đó giúp cho hệ thống hoạt động được những nơi không nguồn điện. Và việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng đang được tập trung nghiên cứu.

“Hệ thống có thể hoạt động tốt và hoạt động ở diện rộng. Do đó, hoàn toàn có thể phát triển lên để giúp người dân giám sát được độ ẩm ở khu canh tác làm cho việc tưới tiêu hiệu quả. Từ đó tiết kiệm được nước tưới, đó là vấn đề rất quan trọng trong thời điểm xâm nhập mặn đang diễn ra”, thầy Khanh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn