MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với phần mềm này, mỗi phòng thi chỉ cần 1 giám thị coi thi là đủ thay vì 3 – 4 giám thị như trước kia. Ảnh: PV.

Sinh viên ứng dụng AI phát triển phần mềm phát hiện gian lận thi cử

TRẦN TUẤN - HỮU CHÁNH LDO | 13/01/2022 10:40

Hà Nội - Một nhóm sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học công nghiệp Hà Nội đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển phần mềm phát hiện gian lận thi cử, cho độ chính xác cao. Phần mềm dự kiến được đưa vào sử dụng trong nội bộ nhà trường và đã có doanh nghiệp nghiên cứu về camera đề nghị hợp tác phát triển.

This browser does not support the video element.

Phần mềm phát hiện gian lận thi cử của sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Ngày 12.1, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS Đặng Trọng Hợp, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết từ một đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên trong khoa, đơn vị đang tiến hành các bước thử nghiệm thêm để phục vụ công tác giám sát các hoạt động thi cử, đào tạo và an ninh của nhà trường.

Theo đó, đề tài khoa học này có tên: "Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giúp phát hiện hành vi gian lận thi cử", do nhóm 5 sinh viên gồm: Hoàng Tùng Lâm, Bùi Ngọc Hải, Nguyễn Đức Linh (lớp Khoa học máy tính 1, K12); Đào Lê Huy (lớp Khoa học máy tính 2, K12) và Phan Thành Trung (lớp Công nghệ thông tin 4, K12) thực hiện, dưới sự hướng dẫn của TS Vũ Việt Thắng, giảng viên khoa Công nghệ thông tin.

TS. Vũ Việt Thắng và 2 sinh viên trong nhóm nghiên cứu đề tài. Ảnh: PV

Theo nhóm nghiên cứu, phần mềm này sử dụng đầu vào là hình ảnh được thu lại từ các camera giám sát. Từ các cử động được ghi nhận, nhóm nghiên cứu đưa ra thuật toán thứ 2, phân tích và nhận diện các hành vi bất thường trong quá trình làm bài thi. Sau đó, thông báo sẽ được gửi về cho giám thị. Với phần mềm này, mỗi phòng thi chỉ cần 1 giám thị coi thi là đủ thay vì 3 – 4 giám thị như trước kia.

“Ví dụ với phòng thi chỉ có 1 giám thị, khi giám thị không để ý thì các thí sinh có thể quay ngang, xem, nhìn hoặc làm việc gì đó nhưng với hệ thống này mọi hoạt động, cử chỉ được theo dõi 24/24, đồng thời phân tích và đánh giá. Bản thân các em sinh viên khi biết có hệ thống như vậy thì trong tinh thần là giảm bớt hẳn ý tưởng muốn gian lận đi rồi. Đây là hệ thống hỗ trợ rất đắc lực cho các hội đồng coi thi”, TS Vũ Việt Thắng nói.

Đánh giá về đề tài nghiên cứu này, TS Đặng Trọng Hợp, Trưởng khoa CNTT cho biết, việc ứng dụng AI trong việc giám sát hành vi là hướng nghiên cứu có nhiều tiềm năng. Đồng thời có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

TS. Đặng Trọng Hợp, Trưởng khoa CNTT, Đại học Công nghiệp Hà Nội trả lời Báo Lao Động. Ảnh: PV

“Bên cạnh việc dự kiến sử dụng trong các hoạt động đào tạo, thi cử của nhà trường, một số các công ty ở bên ngoài cũng đang tiếp cận với nhóm nghiên cứu để đề xuất hình thức phối hợp phát triển. Ví dụ như có công ty nghiên cứu về camera an ninh, họ cũng đặt vấn đề làm thế nào để kết hợp với camera để trong các gia đình. Hiện nay, con cái thường học online ở nhà, trong khi bố mẹ đi làm rất muốn biết là con mình ở nhà có chăm chú học bài hay không. Phần mềm này có thể giám sát 24/24 và đưa ra đánh giá với độ chính xác cao”, TS Đặng Trọng Hợp cho biết thêm.

Nhiều sinh viên nghiên cứu về AI, IoT, Blockchain

Cũng theo đại diện Khoa Công nghệ thông tin (Đại học công nghiệp Hà Nội), hiện, khoa có 4000 sinh viên đang theo học, tỷ lệ sinh viên đã tham gia nghiên cứu khoa học là 10% (tương đương khoảng 400 sinh viên).

"Trong tổng số 59 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa công nghệ thông tin trong năm 2021, có rất nhiều đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT hay Blockchain", TS. Đặng Trọng Hợp, trưởng khoa CNTT nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn