MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR (QR code) ngày càng phổ biến với mọi tầng lớp, đối tượng trong xã hội cho thấy việc chuyển đổi số mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Ngọc Trâm

Thanh toán không tiền mặt và dấu ấn trong chuyển đổi số tại Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 20/04/2023 20:35

Chuyển đổi số vẫn trên đà chuyển dịch nhanh, mạnh và đồng bộ hơn bao giờ hết, giúp Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân thích ứng với những thách thức kinh tế trong năm 2023.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1 năm nay,  tổng sản phẩm trong nước ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao (6,5%) và là mức tăng gần như thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua trừ giai đoạn quý 1 năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát.

Trong kế hoạch năm 2023 được định hình từ vài tháng trước, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã phải viết lại chiến lược cho doanh nghiệp mình, chuyển từ chế độ “tấn công” sang “phòng thủ”. 

Các biện pháp cắt giảm nhân sự, chi phí cho những hoạt động tiêu tốn nhiều nguồn lực như R&D (nghiên cứu và phát triển), tạm ngưng mở mới điểm bán hay thậm chí cắt lỗ để tồn tại là những hành động quyết liệt để “bật chế độ an toàn” đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị, đón đầu của tất cả các bên: Chính phủ - Doanh nghiệp - Người dân, những thách thức kinh tế hiện tại có thể không đáng lo ngại, trong đó việc chuyển số tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội.

Theo nhận định, thống kê từ nền tảng thanh toán Payoo, việc thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR (QR code) phát triển vượt bậc và phổ biến đến mọi tầng lớp, độ tuổi. Giá trị thanh toán QR qua nền tảng này trong quý 1 năm 2023 đã gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Mức độ phủ sóng của QR code từ nhà hàng sang trọng đến quán ăn vỉa hè - điều mà cách đây vài năm khó ai có thể hình dung được.

Quán tính lan toả của QR nói riêng và thanh toán điện tử nói chung đang rất mạnh mẽ, khiến thanh toán không tiền mặt đã trở thành “từ khoá” phổ biến trong mọi hoạt động mua sắm của người dân.

Ở nhóm sản phẩm nữ trang, đá quý, thanh toán không dùng tiền mặt cũng có mức tăng trung bình 10% so với quý trước.

Tự động hoá doanh nghiệp cũng là một dấu ấn khác trong quá trình chuyển đổi số.

Bằng việc áp dụng các công cụ quản trị tổng thể từ các giải pháp số hoá toàn bộ quy trình điều hành nhân sự, quản lý kho bãi, bán hàng, marketing, hậu mãi, tài chính… các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giảm tải phần lớn các tác vụ đơn giản, tối ưu hiệu quả công việc và phát triển nhanh gấp nhiều lần so với trước kia.

Song song với sự phát triển của khối tư nhân, khối Chính phủ cũng đang tiến nhanh, tiến mạnh nhờ sự nhất quán trong việc triển khai số hoá của chính quyền.

Cổng dịch vụ công quốc gia – kênh hỗ trợ thông tin, đăng ký các thủ tục hành chính đến nay đã thanh toán hơn 4,6 triệu giao dịch với tổng giá trị thanh toán hơn 3.830 tỉ đồng.

Mặc dù bước đầu triển khai còn nhiều lỗi hệ thống nhưng đến nay, các thao tác thanh toán đã nhanh chóng và quen thuộc với nhiều người dân.

Người dân nay có thể đăng ký hoặc xin cấp lại hộ chiếu mới ngay trên cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, thanh toán trực tuyến và nhận tại nhà sau 8 ngày làm việc.

Các hoạt động như thanh toán học phí, viện phí, đặt khám từ xa hoặc làm việc với các Ủy ban quận, huyện, Sở ban ngành cũng đều có thể tiến hành trực tuyến.

Nhìn chung, mặc dù tình hình kinh tế ngắn hạn vẫn được các chuyên gia cảnh báo sẽ còn nhiều thách thức, nhưng với việc chuyển đổi số mạnh mẽ, các doanh nghiệp, người dân sẽ từng bước vượt qua khó khăn, hướng đến sự tăng trưởng bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn