MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Esports nói riêng và game online Việt Nam nói chung còn nhiều rào cản, nhưng có tiềm năng lớn để phát triển. Ảnh: Nguyễn Đăng

Thể thao điện tử, mũi nhọn mới của nền kinh tế số

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 02/04/2023 17:35
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện (VTC), thể thao điện tử (Esports) hội tụ đủ các yếu tố để trở thành mũi nhọn của nền kinh tế số.

Thông tin trên được ông Bảo đưa ra tại Ngày hội Game Việt Nam, diễn ra tại TPHCM trong 2 ngày 1 và 2.4, tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh). Cũng như các chuyên gia khác, ông Bảo đánh giá ngành game Việt Nam có tiềm năng lớn, nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn để phát triển.

“Việt Nam có chừng 100 triệu dân, trong đó có trên trên 28 triệu người chơi game, đó là một tỉ lệ khá lớn. Doanh thu của thị trường game Việt Nam đạt hơn 600 triệu USD, nhưng chỉ chiếm dưới 1% so với thị trường thế giới”, ông Bảo chia sẻ.

Theo ông Bảo, ngành game Việt Nam đang cần được nuôi dưỡng và hỗ trợ các chính sách về thuế. Vì thế, ông mong các doanh nghiệp game tại Việt Nam sẽ sớm nhận được những cơ chế để hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ phát triển.

Trong lĩnh vực game rộng lớn, ông Bảo đặc biệt đề cao tiềm năng, cơ hội của Esports (Thể thao điện tử). Theo ông, lĩnh vực này có thể trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế số. Dẫn số liệu thống kê trên thế giới, ông Bảo cho biết Esports có tốc độ tăng trưởng hàng năm 8,1% và dự kiến có 640 triệu người theo dõi bộ môn này năm 2025.

Doanh thu năm 2022 đạt gần 1,4 tỉ USD, trong đó chủ yếu đến từ các nhà tài trợ (837 triệu USD), bản quyền phát sóng (hơn 207 triệu USD), tiền từ các nhà phát hành (hơn 130 triệu USD)… “Thương mại điện tử trong Esports rất mạnh. Thương mại bao gồm có hàng hóa số và hàng hóa vật lý. Những thứ trong môi trường thực không làm được, nhưng có thể thực hiện trong môi trường ảo. Khi giải được bài toán trong không gian ảo, sẽ giải quyết được vấn đề ở không gian thực.

Việt Nam đang đặt ra vấn đề về chuyển đổi số. Trong không gian số, mọi người có thể thoải mái thử đi, thử lại mà không sợ sai. Nhờ đó, mọi người có thể làm game tạo ra nền kinh tế số, tạo ra dữ liệu, thứ được xem là mỏ vàng trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay”, ông Bảo chia sẻ.

Chuyên gia của VTC cũng chỉ ra Esports Việt Nam chưa thật sự chuyên nghiệp, và có các nguồn thu ổn định. Trong mắt các nhà quản lý lẫn người dân, Esports vẫn đơn giản là game. Tuy nhiên, ông tin tưởng và tiềm năng, cơ hội của Esports tại Việt Nam.

Ông kết luận: “Nếu coi là game là một ngành thì sẽ có nghề, có nghề sẽ có sản phẩm. Chúng ta cần cơ hội để xuất hiện, lộ diện, giúp cơ quan quản lý thấy ngành game có thể làm được những gì, như công nghệ game làm nên phim bom tấn hay các công nghệ truyền hình mới trong tổ chức giải đấu Esports. Từ đó ngành quảng cáo, tài trợ cũng thay đổi”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn